Non nước Việt Nam

Thác Lụa: Vẻ đẹp quyến rũ xứ Tuyên

Cập nhật: 19/06/2014 09:24:25
Số lần đọc: 2201
Ở xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) có một dòng thác quanh năm nước chảy. Nguồn nước dồi dào từ dòng thác đã tưới mát cho những cánh đồng bội thu. Đó là dòng Thác Lụa bắt nguồn từ dãy Cham Chu chảy qua thôn Thác Ca và một số thôn của Hòa Phú.

Bà Bàn Thị Nhân, dân tộc Dao, thôn Thác Ca cho biết, thiên nhiên đã ban tặng cho Hòa Phú dòng thác đẹp mang nguồn nước cho người dân nơi đây sinh hoạt và sản xuất. Từ nhỏ đến giờ, bà chưa thấy dòng thác cạn nước bao giờ, quanh năm nước trong xanh. “Dòng thác hiền hòa cần mẫn mang nước tưới cho đồng ruộng. Nhờ đó mà những cánh đồng lúa nơi đây năm nào cũng được mùa. Thác Ca và nhiều thôn có dòng thác chảy qua chưa bao giờ hết gạo”- Bà Nhân vui vẻ nói.

Với 3 tầng thác, Thác Lụa có tiềm năng lớn về du lịch. Hai bên bờ thác rợp bóng cây xanh và những phiến đá tựa như cái phản nằm tạo nên một khung cảnh mê hoặc lòng người. Thác Lụa được tạo bởi 3 tầng thác chính, tầng thứ nhất được gọi là Tát Cao, tầng thứ hai được gọi là Tát Vóc và tầng thứ ba là Tát Lụa.

Tát Cao là dòng chảy từ khe núi hẹp nên dòng thác không rộng, chiều cao hơn 30m, Tát Cao cách Tát Lụa khoảng 3km. Tát Vóc song song với Tát Cao nhưng ở độ cao thấp hơn, cách Tát Lụa khoảng 2km. Cách Tát Lụa khoảng 1km thì hai dòng thác này hòa vào làm một và tạo thành Tát Lụa. Tát Lụa có độ cao khoảng hơn 20m, rộng khoảng hơn 5m, dòng thác đẹp hững hờ như mái tóc thướt tha của người thiếu nữ. Dưới chân Tát Lụa hình thành một vực nước xanh mát cuốn hút du khách đến nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày lao động mệt mỏi.

Phía sau Thác Lụa có một hang núi nhiều bí ẩn. Người già ở đây kể rằng, vào giai đoạn đánh giặc Cờ đen, bên trong hang núi đặt hai cái chum đựng kho báu và vũ khí. Miệng chum đặt một thanh gươm quý, không ai được phép lấy thanh gươm vì chỉ cần chạm vào chiếc chum, thanh gươm sẽ tự xoay như bảo vệ chủ. Câu chuyện như hàm ý nhắc nhở người dân giữ lấy nguồn nước quý từ Thác Lụa, bởi chum là vật dụng xưa nay người dân rất chuộng để đựng nước. Câu chuyện được người dân nơi đây lưu truyền để cùng nhau giữ gìn thác nước mang lại những lợi ích lớn lao cho sản xuất nông nghiệp.

UBND huyện Chiêm Hóa đang phối hợp với Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh công nhận Thác Lụa là danh thắng cấp tỉnh./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT