Phát triển du lịch ở làng nghề truyền thống Nam Hoà (Quảng Ninh)
Vào những năm cuối thế kỷ 17, những sản phẩm do người dân Nam Hoà làm ra không chỉ để dùng trong sinh hoạt gia đình, mà còn phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân vùng ven biển cửa sông Bạch Đằng. Lâu dần, đan ngư cụ và thuyền nan đã trở thành nghề thủ công truyền thống và được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay. Hiện phường có gần 300 hộ làm nghề mây tre đan, chiếm khoảng 55% số hộ dân, tập trung chủ yếu ở khu 3 và khu 4.
Nhận thấy những lợi thế về phát triển du lịch làng nghề, thị xã chủ trương xây dựng Nam Hoà thành một điểm dừng chân du lịch độc đáo, không thể thiếu trong hành trình du khách đến với Quảng Yên. Thời gian qua, thị xã đã tích cực phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành tổ chức đón các đoàn khách quốc tế về thăm làng nghề đan thuyền nan và ngư cụ truyền thống ở Nam Hoà. Đến với làng quê này, du khách có cơ hội tìm hiểu cách sản xuất những sản phẩm ngư cụ truyền thống; khám phá, trải nghiệm cuộc sống thực tế của ngư dân địa phương và mua các món đồ lưu niệm chính là chiếc thuyền nan bé xíu về cho gia đình, bè bạn. Với những giá trị văn hoá nguyên bản lâu đời mang tính đặc trưng riêng của địa phương như vậy, làng nghề truyền thống ngày càng có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài. Triển khai từ cuối năm 2013, đến nay làng nghề đã đón từ 20-30 đoàn khách. Anh Phạm Văn Kiên, khu 3 cho biết: “Hầu hết du khách đến thăm làng nghề là người nước ngoài, nên họ tỏ ra khá thích thú, tò mò với những ngư cụ đặc trưng của vùng sông nước như lờ, đó, thuyền nan… Vì vậy, bên cạnh việc giới thiệu về vùng đất, con người Nam Hoà, chúng tôi còn đan lờ, đan thuyền cho khách xem, hướng dẫn họ làm một số vật dụng đơn giản, dễ thực hiện”.
Gia đình ông Nguyễn Anh Sáu, khu 3 làm nghề lâu đời nhất, nhì phường Nam Hoà. Hiện tại gia đình có đến 4 thế hệ theo nghề của ông, cũng là một trong số những điểm tham quan của các đoàn khách khi đến làng nghề truyền thống này. “Trước đây, bình quân mỗi tháng, gia đình tôi làm được từ 5-7 chiếc thuyền to, khoảng 200-300 chiếc lờ, đó các loại phục vụ ngư dân làm nghề chài lưới. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến nay, gia đình chủ yếu sản xuất sản phẩm dưới hình thức hàng lưu niệm để bán cho du khách nước ngoài” - Ông Sáu cho biết.
Việc phát triển làng nghề gắn với du lịch không chỉ từng bước nâng cao hiệu quả lao động, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống. Ông Ngô Đình Dũng, Phó Phòng Văn hoá - Thông tin TX Quảng Yên cho biết: “Chủ trương phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch ở Nam Hoà, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, như: Người dân làng nghề chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và thói quen làm du lịch; số gia đình đủ điều kiện cơ bản để đưa vào tham quan còn khá ít; lượng khách du lịch chưa nhiều, khiến người dân chưa thực sự mặn mà./.