Du lịch Việt Nam duy trì đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2014 ước đạt 564.736 lượt, mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng đã tăng 4,6% so với tháng 6/2014. Như vậy, sau hai tháng liên tiếp lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm (tháng 6/2014 giảm 19,94% so với tháng 5/2014, tháng 5/2014 giảm 9,62% so với tháng 4/2014), lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại. Tốc độ tăng trưởng du lịch tuy có dao động trong từng tháng nhưng tính chung 7 tháng đầu năm vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014 ước đạt 4.852.621 lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 142.400 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2013. Lượng khách du lịch nội địa trong 7 tháng đầu năm 2014 đạt 27,2 triệu lượt, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, các điều kiện hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch đã không ngừng được đầu tư, mở rộng. Đến nay, Việt Nam có hơn 15.900 cơ sở lưu trú với hơn 331.500 buồng, trong đó đầu tư phân khúc cao cấp với quy mô lớn có xu hướng tăng; hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hơn chục nghìn doanh nghiệp lữ hành nội địa; và hơn 14.500 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có hơn 8.000 hướng dẫn viên quốc tế, hơn 6.400 hướng dẫn viên nội địa và hàng nghìn thuyết minh viên tại các điểm du lịch. Sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và tính chuyên nghiệp ngày càng cao của lực lượng lao động ngành Du lịch đã khẳng định quy mô và năng lực cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam. Đồng thời, công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng đặc biệt được chú trọng. Các khóa tập huấn nghiệp vụ du lịch, đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch được tổ chức thường xuyên và góp phần nâng cao sự chuyên nghiệp của lực lượng lao động ngành Du lịch.
Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của toàn Ngành, cũng như vai trò điều phối, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Tổng cục Du lịch đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam, đặc biệt trước các tác động của tình hình mới, cần tăng cường mở rộng thị trường du lịch quốc tế, kích cầu du lịch nội địa; cũng như vai trò quan trọng của Tổng cục Du lịch trong điều phối công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai công tác theo kế hoạch, tháng 7/2014, Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng như: phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam – Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”; chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Họp báo Quốc tế về Du lịch; đón các đoàn Famtrip Hàn Quốc và Nhật Bản, tổ chức chương trình Roadshow phát động thị trường du lịch tại 3 thành phố: Matxcova, Saint Petersburg và Yaroslavl của Liên bang Nga; tham dự và chủ trì tổ chức Phiên họp Ủy ban Hợp tác Du lịch Việt Nam – Singapore tại Singapore; phối hợp với Tổ chức Du lịch Thế giới và các nước ASEAN xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo du lịch đường sông ASEAN.
Bên cạnh đó, trong 7 tháng đầu năm 2014, nhiều sự kiện lớn mang tầm khu vực và quốc gia, liên vùng đã được tổ chức tại các địa phương cũng góp phần quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam, bao gồm: Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt 2014, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2014 (Hà Nội), Festival Đờn ca tài tử (Bạc Liêu), Festival Huế 2014, Festival văn hóa ẩm thực Việt Nam, Festival quốc tế lần thứ nhất Nho và Vang (Ninh Thuận), Lễ hội “Huyền thoại thác Yang Bay” (Khánh Hòa), Lễ hội truyền thống Văn hóa (Bến Tre), Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Đắk Nông… Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động du lịch, các địa phương đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động liên kết du lịch: Hội nghị quảng bá du lịch Quảng Bình và Lễ ký kết phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam (tại Đà Nẵng); Hội thảo Phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung gắn kết với Đại ngàn Tây Nguyên… Qua các hoạt động liên kết, nhiều giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm, quảng bá đã được thực hiện đồng bộ tại các địa bàn du lịch trọng điểm, góp phần hình thành các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam.
Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch và Chương trình Xúc tiến Du lịch Quốc gia. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2014 tại Lâm Đồng - Tây Nguyên và chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa. Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý điểm đến và chất lượng dịch vụ của các khu du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Ngành Du lịch tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, huy động nguồn lực để thu hút khách đến từ các thị trường quốc tế có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài, chi tiêu cao; mở rộng quảng bá tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng…
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của toàn Ngành, trong thời gian tới Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức nhằm duy trì đà tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.
Trong tháng 7/2014, nhiều báo chí, website quốc tế đã bình chọn cho điểm đến Việt Nam: Việt Nam lọt Tốp 20 quốc gia đẹp nhất thế giới (Tạp chí Rough Guides); TP. Hà Nội xếp thứ 8/10 điểm đến được ưa chuộng nhất thế giới; Phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là 3 điểm đến hấp dẫn của Việt Nam (TripAdvisor); 10 điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch Việt Nam: Hội An, Vịnh Hạ Long, Chùa Thiên Mụ, Hồ Hoàn Kiếm, Phú Quốc, ruộng bậc thang Sa Pa, Mũi Né, Đồng bằng sông Cửu Long, địa đạo Củ Chi, Nha Trang (trang tin Touropia)… Nhiều địa danh, đơn vị được bình chọn, đạt danh hiệu quốc tế đã thể hiện sức hút của du lịch Việt Nam, góp phần quảng bá và tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu du lịch Việt Nam. |
Hồng Nhung