Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc: Nhiều hoạt động văn hóa-du lịch đặc sắc
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, sau lễ Cáo yết (xin phép mở hội) diễn ra vào ngày 3/9/2014 (ngày 10/8 âm lịch) là lễ đúc tượng La Hán chùa Côn Sơn diễn ra trong ngày 8/9/2014 (ngày 15/8 âm lịch) mở đầu cho các hoạt động Lễ hội mùa thu năm 2014. Tiếp đó là lễ rước văn từ Tổ đường chùa Côn Sơn lên đền thờ Ức Trai vào ngày 9/9/2014 (16/8 âm lịch), với sự tham gia của đội múa lân, múa rồng, các kiệu rước, kiệu lễ phẩm, cùng hàng nghìn người dân tỉnh Hải Dương.
Chương trình lễ hội được tiếp nối bằng lễ khai ấn diễn ra vào đêm 9/9/2014 (16/8 âm lịch); Ngày 10/9/2014 (17/8 âm lịch) diễn ra lễ rước bộ truyền thống của nhân dân làng Vạn Yên và Dược Sơn, sau đó là lễ tưởng niệm và khánh thành công trình tu bổ đền Kiếp Bạc.
Một trong những nghi lễ quan trọng trong lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc là lễ hội quân trên sông Lục Đầu diễn ra vào ngày 10/9. Đây là cuộc diễu hành, phô trương lực lượng mạnh mẽ, là hình bóng của cuộc ra quân xưa với nhiều tướng lĩnh cùng các đạo quân gồm đủ các thành phần, làm sống lại truyền thống giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, tôn vinh chiến công hiển hách của Hưng Đạo Đại Vương. Ông Khổng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở VHTTDL Hải Dương) cho biết: Lực lượng tham gia lễ hội quân khoảng 5.000 người gồm nhân dân địa phương, ngư dân Cát Bà, Quần Mục (Hải Phòng), Kênh Giang (Hải Dương) cùng đông đảo nhân dân thập phương.
Lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu cũng là nét độc đáo của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay. Lễ hội hoa đăng Kiếp Bạc nhằm mục đích tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc ở các triều đại. Khép lại chương trình Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2014 là lễ giỗ Đức Thánh Trần, được tổ chức vào sáng ngày 20/8 âm lịch tại núi Mâm Xôi và đền Kiếp Bạc. Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc còn có các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật: đu tiên, hát xẩm, viết thư pháp, bắt vịt, nhảy phỗng, bơi chải, thi nấu cơm, múa rối, đập niêu, chọi gà, cờ tướng.
Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn là một trong những hoạt động chủ yếu của ngành du lịch Hải Dương trong việc quảng bá, thu hút du khách đến với Hải Dương nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung./.