Khám phá xứ Mường Bo (Lào Cai)
Thanh bình Thanh Phú.
Về vùng đất cách mạng
Vượt qua con dốc gần như “dựng đứng”, một nửa mặt đường đã bị sạt xuống vực do bị ảnh hưởng mưa lũ từ cơn bão số 2, xã Thanh Phú hiện ra trước mắt tôi với vẻ đẹp đầy sức sống. Thanh Phú mùa này thanh bình đến thơ mộng, từng vạt đồi được phủ một màu xanh ngát bởi những rừng cây. Xa xa, những ngôi nhà mái ngói mọc lên san sát bên cánh đồng lúa xanh rười rượi đang kỳ trổ bông. Chúng tôi theo chân ông Nông Văn Sáng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Phú đi một vòng từ thôn Mường Bo đến Mường Bo 1, Sín Chải A, Sín Chải B và Nậm Củm. Ở Thanh Phú, người Tày, người Dao sống tách biệt theo từng thôn. Người Tày tập trung tại hai thôn trung tâm là Mường Bo và Mường Bo 1. Men theo các triền núi là các thôn Sín Chải A, Sín Chải B, Nậm Củm - nơi cư trú của đồng bào dân tộc Dao. Ông Nông Văn Sáng cho biết: “Tuy người Tày, Dao sinh sống theo từng thôn tách biệt nhưng hai dân tộc rất đoàn kết, thường xuyên trao đổi, buôn bán, giúp đỡ nhau từ việc nhà đến việc trồng, cấy…”.
Khi biết chúng tôi có nhã ý muốn tìm hiểu về lịch sử Thanh Phú, ông Sáng hồ hởi dẫn đến nhà ông Trần Dẻn ở thôn Mường Bo 1. Nhắc đến ông Trần Dẻn, người dân ở Thanh Phú đều biết bởi ông không chỉ là một lão thành cách mạng, mà còn có công rất lớn trong việc giúp người dân xóa đói, thoát nghèo. Ngay từ đầu đường vào nhà ông Dẻn, chúng tôi thấy tấp nập người ra, vào; có tới hai chục chiếc xe máy dựng ngoài sân. Thấy tôi đang phân vân, ông Sáng “biết ý” nói: “Không có việc gì đâu. Năm nào cũng vậy, vào những ngày đầu tháng 8 là nhà ông Dẻn đông như hội, người già, người trẻ ở Mường Bo đến đây thăm ông Dẻn và nghe kể chuyện cách mạng đấy…”.
Ông Dẻn năm nay đã ngoài 80 tuổi, tuy nghe không được tốt nhưng ông vẫn minh mẫn, giọng nói còn sang sảng lắm. Nhấp chén nước chè, ông kể liền một mạch những ngày, tháng nhân dân Thanh Phú tham gia cách mạng tới những năm tháng cùng nhân dân xóa đói. Theo lời kể của ông, xã Thanh Phú trước kia có tên là Mường Bo (theo tiếng Tày, Mường Bo có nghĩa là vùng đất trơ trọi với nắng). Thời kỳ trước năm 1945, ở Mường Bo chỉ có một vài nóc nhà sàn của người Tày. Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng
Sau kháng chiến, để tiếp nối truyền thống của vùng quê cách mạng, nhân dân xã Thanh Phú đã vượt qua nhiều khó khăn, khai thác thế mạnh, phát huy nội lực để tạo nên những bứt phá nhằm xây dựng một diện mạo nông thôn tươi sáng.
Sức sống mới ở Thanh Phú
Anh Phùng A Păn, Trưởng thôn Mường Bo 1, người con của Thanh Phú hôm nay luôn tự hào về truyền thống của quê hương mình. Chỉ tay vào thửa ruộng đằng sau nhà ông Trần Dẻn, anh Păn bảo: “Đây là thửa ruộng đã làm thay đổi cuộc sống của đồng bào Thanh Phú đấy!”. Lý giải điều này, Trưởng thôn Păn hồi tưởng lại thời gian cách đây hơn 20 năm. Nhân dân khi đó chưa biết cấy lúa nước, cũng không chăn nuôi gia súc thành đàn, cuộc sống chỉ ngày qua ngày với số lương thực ít ỏi từ đốt nương gieo lúa, ngô. Rồi cả bản rủ nhau vào rừng đào củ nâu, củ mài về ăn cho no cái bụng.
Cuộc sống cứ thế trong vòng luẩn quẩn của cái đói, cái nghèo nếu không có sự xuất hiện của người lính già Trần Dẻn. Nghỉ công tác ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sa Pa, ông Dẻn về quê và được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phú từ năm 1989 đến 1995. “Thấy nhân dân quá khổ cực, trong khi đất rất nhiều mà người dân chỉ biết làm nương. Nhiều đêm suy nghĩ, tìm ra nguyên nhân khiến kinh tế Thanh Phú gặp khó khăn như vậy, tôi đã đi nhiều nơi học kinh nghiệm cấy lúa nước để đem về áp dụng tại địa phương mình” - ông Dẻn tâm sự. Được sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp huyện, ông Dẻn tổ chức họp dân ở các thôn để phổ biến cách làm. Tuy nhiên, không một ai tin tưởng, cuối cùng ông đành tự thí điểm cấy lúa nước và trồng khoai tây ngay trên chính mảnh đất của gia đình mình. Vụ đầu tiên thành công ngoài mong đợi, năng suất lúa nước mà ông Dẻn sản xuất cao gấp 10 lần so với trồng lúa nương. Ngày thu hoạch cũng là ngày ruộng nhà ông Dẻn đông kín người đến xem “ông Bí thư gặt lúa”. Cũng từ đây, nhân dân bắt đầu học cấy lúa nước, trồng khoai tây và từng bước thoát khỏi cảnh thiếu đói.
Việc thoát khỏi cảnh thiếu lương thực đã tạo động lực cho chính quyền và nhân dân xã Thanh Phú chung tay phát triển kinh tế, làm thay đổi cuộc sống trên vùng cách mạng xưa. Ngày Thanh Phú có đường nhựa, điện lưới về xã cũng là thời điểm nhân dân các dân tộc trong xã tích cực xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Phát huy thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, Thanh Phú tập trung thâm canh trên 300 ha lúa với sản lượng trên 1.000 tấn/năm. Ngoài ra, người dân trong xã còn trồng ngô lai, thảo quả, chăn nuôi gia súc… do đó cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 20% (90/433 hộ); tỷ lệ hộ giàu đạt trên 13%. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được xây dựng đáp ứng nhu cầu của người dân. Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư; trục đường liên xã, liên thôn đã bê tông và cứng hoá; điện, đường, trường, trạm trong xã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ cuộc sống của người dân địa phương. Nhân dân trong xã đã và đang hăng hái đóng góp công sức cũng như vật chất để chung tay xây dựng nông thôn mới.
Chia tay Thanh Phú, trong tôi cảm nhận được vùng quê cách mạng năm xưa hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Tin tưởng rằng, truyền thống anh hùng là động lực để Thanh Phú vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp bước dựng xây quê hương cách mạng ngày một giàu mạnh./.