Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Kết nối tuyến du lịch Bảo tàng - Thư viện - núi Bài Thơ

Cập nhật: 21/08/2014 09:26:26
Số lần đọc: 1315
Kết nối tuyến du lịch Bảo tàng - Thư viện tỉnh và khu di tích, danh thắng núi Bài Thơ là viễn cảnh đẹp mà đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã hình dung, sau chuyến đi khảo sát thực tế tại đây vào đầu tháng 8 vừa qua...


Trung tâm Văn hoá núi Bài Thơ hiện là một điểm nhấn trong khu di tích lịch sử, danh thắng núi Bài Thơ.

Tuyến du lịch này, theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sau này sẽ nối tour với các trung tâm thương mại lớn trên địa bàn thành phố, giúp du khách vừa có thể tham quan các di tích, công trình văn hoá lớn, vừa có thể vui chơi, mua sắm. Đây sẽ là một tour du lịch khép kín khá lý tưởng tại khu vực trung tâm TP Hạ Long. Tất nhiên, việc kết nối tuyến du lịch này cần có thời gian, để có thể hoàn thiện khâu trưng bày hiện vật tại Bảo tàng, đầu tư tu bổ, tôn tạo một số điểm di tích...

Được và chưa được

Bảo tàng - Thư viện tỉnh, sau khi đi vào hoạt động, không gian văn hoá này đã trở thành điểm nhấn ấn tượng với người dân và du khách. Các hoạt động nơi đây đã có nhiều khởi sắc mới với lượng bạn đọc đến Thư viện đông hơn nhiều. Đáng chú ý là Thư viện đã cho thuê Hội trường tổ chức sự kiện và đấu thầu thành công không gian Cà phê sách. Hiện đơn vị trúng thầu là Công ty CP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long đang tiến hành các thủ tục để liên doanh hợp tác tổ chức các dịch vụ tại đây. Còn Bảo tàng tỉnh hiện vẫn đảm bảo cả hai phần là trưng bày ngoài trời và trong nhà. Trong đó, phần trưng bày ngoài trời gồm: Tên lửa, pháo cao xạ 12ly7, pháo 25ly, thần công, pháo cổ và than đá; phần trưng bày trong nhà gồm: Đánh bắt thuỷ hải sản và ngư cụ, Tiền - sơ - sử, Đại Việt, Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Phật giáo và Yên Tử, Than, Chuyên đề cổ vật. Sau 10 tháng mở cửa, Bảo tàng đã đón và phục vụ khoảng trên 50.000 lượt khách tham quan, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 5%.

Tuy vậy, Bảo tàng hiện còn nhiều không gian trống, chưa được trưng bày, như không gian các ống núi tầng 1 với nội dung về tự nhiên, tầng 3 với phần trưng bày về than, chuyên đề Bác Hồ với Quảng Ninh, các dân tộc Quảng Ninh; khối hội nghị cũng mới có trưng bày tại tầng 2 về cổ vật. Bên cạnh đó, phần xây lắp sau một thời gian đi vào hoạt động đã bộc lộ một số bất cập, như hiện tượng thấm, dột... Ngay như những phần đã trưng bày để thuyết phục người xem cũng còn nhiều điểm đáng bàn.

Ông Nguyễn Công Thái, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, sau chuyến đi thực tế kể trên, đã đánh giá: Bảo tàng có sự độc đáo về hình thức nhưng trưng bày đơn điệu, nhàm chán, vì 10 tủ như 10, không có điểm nhấn gì cả.

Đây cũng là cảm nhận của nhiều thành viên trong đoàn khi đến một số không gian trưng bày của Bảo tàng, với 2 màu đen - trắng là chủ đạo, các hiện vật được trưng bày trong các tủ kính giống nhau, ánh sáng trắng đều như nhau ở toàn bộ không gian. Một hiện tượng được nhân viên Bảo tàng phản ánh cũng rất đáng lưu tâm, là việc “công cộng hoá” công trình - một số người thiếu ý thức, nhất là lớp trẻ lạm dụng việc miễn phí tham quan, sử dụng Bảo tàng như một điểm dừng chân, vui chơi thiếu lành mạnh.

Khu di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng núi Bài Thơ hiện cũng còn nhiều bất cập. Như nơi khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông hiện giờ trông khá xập xệ, khung cảnh tiêu điều, hoang tàn; các bài thơ khắc trên vách núi trở nên nhỏ bé trong không gian xung quanh. Con đường dẫn lên đỉnh núi Bài Thơ nhỏ hẹp, phải chạy qua cả nhà dân... Chỉ có Trung tâm Văn hoá núi Bài Thơ đã cơ bản hoàn thành, được bàn giao về thành phố quản lý, khai thác khá tốt.

Gỡ như thế nào?

Lý giải phần nào về việc chậm tiến độ trưng bày hiện vật tại Bảo tàng tỉnh, ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho hay: Các công trình văn hoá vốn không như các công trình xây dựng, có định mức cụ thể. Việc phối hợp chưa tốt cũng là lý do dẫn đến tiến độ chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Rất nhiều trường phái, nhưng quan điểm của chúng tôi là tôn trọng ý kiến của chuyên gia. Hiện vật của Bảo tàng mà cơ bản có thể trưng bày được thì đã trưng bày rồi. Chúng tôi đã và đang kết hợp với các bảo tàng chuyên ngành để sưu tầm một số hiện vật thuộc lĩnh vực tự nhiên, địa chất phục vụ cho việc trưng bày tầng 1. Nội thất trưng bày hiện nay theo kiểu “nhà thì to mà đồ vật thì nhỏ”, vì vậy cũng phải bổ sung phần trang trí để tạo thêm sự hấp dẫn cho du khách”.

Nói về tiến độ trưng bày, ông Long cho biết: “Nếu yêu cầu hoàn thiện vào cuối năm nay thì khó, nhưng cơ bản thì có thể. Như tầng 3 đã xong phần trang trí nội thất, chỉ còn trưng bày hiện vật. Những phần thừa, thiếu như ánh sáng, rỏ nước, hỏng... sẽ được khắc phục. Đây cũng là lẽ thông thường vì công trình lớn, hệ thống điện ở ngoài trời, dễ bị tác động bởi thời tiết. Mỗi khi hỏng hóc đều phải thuê thợ, chăng dây để sửa chữa chứ không dễ dàng.

“Không vì đặc thù của công trình văn hoá mà để chậm tiến độ theo lộ trình đã đặt ra. Việc kết nối tuyến tham quan Bảo tàng - Thư viện - Khu văn hoá núi Bài Thơ cần làm sớm, vì đây đều là các công trình có mức đầu tư lớn...” - Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh tại cuộc làm việc sau chuyến kiểm tra. Để thúc đẩy tiến độ các phần việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở VH,TT&DL lựa chọn các cán bộ, nhân viên có chuyên môn để sang làm việc biệt phái phục vụ cho khâu trưng bày hiện vật công trình. Phần xây lắp cũng yêu cầu chủ đầu tư lên ngay phương án khắc phục những bất cập hiện nay. Giao cho đơn vị mời gọi các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến tham quan theo các tour tuyến, để tạo sự chuyển đổi trong các hoạt động. Bồi dưỡng, tuyển chọn đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức về lịch sử, văn hoá, có trình độ ngoại ngữ để có thể phục vụ du khách nước ngoài. Điều chỉnh toà nhà phía dưới Trung tâm Văn hoá núi Bài Thơ để giải phóng tầm nhìn ra Vịnh Hạ Long từ trên cao. Riêng khu các bài thơ của vua Lê Thánh Tông và tuyến đường lên đỉnh núi Bài Thơ, giao TP Hạ Long lập dự án trùng tu, tôn tạo để sớm phát huy giá trị.../.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục