Cồn Đen (Thái Bình) - Điểm đến hấp dẫn
Cồn Đen được hình thành do kiến tạo bồi đắp phù sa và bùn cát của sông Trà Lý dưới tác động của dòng chảy cửa sông và chế độ thủy động lực vùng ven biển tạo thành. Địa hình tương đối bằng phẳng. Đây là dải cồn cát dài khoảng 3km, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 700m, chỗ hẹp nhất là 450m. Phía Nam của cồn cát hiện nay là dòng chảy sông Trà Lý nên được bồi tụ và phát triển dài dưới dạng các mũi cát chạy song song với đường bờ.
Nhìn từ xa, Cồn Đen như một tấm thảm được dệt nên bởi nhiều cây xanh. Dọc theo cồn cát là dải thông xanh, khu vực phía trong là thảm thực vật còn nguyên sơ, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo. Vào những ngày nắng nóng, đi dọc Cồn Đen, bạn sẽ cảm thấy dịu mát hơn khi ngắm những đợt sóng trắng xóa ào ạt xô bờ và dải thông xanh mướt đung đưa theo làn gió biển. Với sự đa dạng của rừng ngập mặn, đây cũng là dịp để bạn thỏa sức tìm hiểu thế giới thiên nhiên ven biển ở Cồn Đen. Trên triền cát, bạn sẽ được ngắm những bông hoa muống biển, dưới nước những cây vẹt, bần, đước, sú... tạo thành “bức tường xanh” chắn bão bảo vệ đê biển, làng xóm. Đây cũng là nơi trú ngụ của 500 loài động vật thủy sinh, cỏ biển và 200 loài chim các loại, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong sách Đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cà trắng bắc… tạo nên sức hấp dẫn rất riêng với du khách.
Khi đến Cồn Đen, du khách vừa thỏa sức tìm hiểu thế giới thiên nhiên ven biển kỳ thú, chơi trò chơi dân gian đi cà kheo trên cát, chơi bóng đá, bóng chuyền trên bãi biển, được tự tay cào ngao, câu cá. Từ khu du lịch sinh thái Cồn Đen, có thể đi dọc các xã ven biển, khám phá quần thể rừng ngập mặn với diện tích gần 4.000 ha, thăm quan Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và một số di tích đình, đền, chùa ở Thái Thụy và thưởng thức món đặc trưng của người dân quê biển như: nộm sứa, gỏi nhệch, nước mắm Diêm Điền…
Nhớ lại khi xưa, để ra được Cồn Đen phải đi bộ hàng cây số đường đất, nay toàn bộ tuyến đường tư đê Pam vào đến cồn dài khoảng 2km đã được bê tông hóa rộng rãi, thênh thang. Trên dải cồn cát ven biển hiện nay đã được Công ty Minh Phú tiến hành xây dựng hệ thống kè biển với chiều dài khoảng 2,5km chạy song song với bờ biển, việc đi lại rất thuận tiện cho du khách. Cùng với đó, hệ thống đường thủy cũng thuận tiện. Hiện có một bến thuyền từ khu vực cống số 2 gần cửa sông Trà Lý liên hệ vào khu vực Cồn Đen, có thể tổ chức các tuyến giao thông đường thủy dọc theo các con sông vào các lạch ngang xuyên qua các khu rừng tự nhiên. Du khách có thể du ngoạn và khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Cồn Đen nằm trong khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004. Đến nay, khung cảnh tự nhiên trên cồn vẫn còn hoang sơ, được nhiều người đánh giá là cồn biển đẹp nhất miền Bắc với vùng cảnh quan trải dài bao gồm các bãi cát mịn và khu vực nuôi ngao. Với điều kiện thiên nhiên kỳ thú và độc đáo, Cồn Đen thực sự là nơi lý tưởng cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, nghiên cứu.
Năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái Cồn Đen với diện tích 1.150 ha gồm toàn bộ khu vực Cồn Đen và một phần diện tích nuôi trồng thủy sản thuộc xã Thái Đô. Theo đó, Cồn Đen sẽ được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái có bãi tắm, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí (sân thể thao, khu trượt nước), khu du lịch văn hóa tổng hợp, trung tâm mua sắm, hệ thống cây xanh… Tại khu du lịch sinh thái Cồn Đen sẽ tổ chức các tua, các tuyến kết nối với các khu rừng ngập mặn xã Thụy Trường, đến các khu du lịch kế cận Đồng Châu, Cồn Vành, các điểm du lịch dọc theo sông Trà Lý về thành phố Thái Bình, đi các điểm di tích lịch sử văn hóa đền, chùa, nhà thờ, khu thờ danh nhân văn hóa trong và ngoài tỉnh, du lịch đồng quê, đến các vùng trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản… tạo ra một khu du lịch có thể thỏa mãn nhu cầu du ngoạn hết sức phong phú của du khách.
Có nhiều cơ hội như vậy, nhưng để đưa Cồn Đen trở thành khu du lịch sinh thái theo đúng nghĩa cũng còn không ít thách thức. Bãi biển nước đục chưa bảo đảm chất lượng môi trường cho hoạt động tắm biển cũng như các loại hình thể thao trên biển; hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát, dễ gây tác động xấu đến môi trường; hạ tầng kỹ thuật mới chỉ có đường chính, các công trình khác chưa được đầu tư xây dựng điều kiện sống, nhận thức của dân cư nơi đây còn hạn chế.
Vì vậy, để phát triển một khu du lịch mang tính bền vững cần thiết phải tìm hướng đi mới nhằm phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có. Xây dựng màu sắc riêng cho khu du lịch sinh thái Cồn Đen để thu hút khách du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế góp phần vào việc phát triển ngành du lịch là nhiệm vụ và thách thức đối với Thái Bình hiện nay./.