Về thăm quê hương Bác Tôn
Tuy thuộc địa phận thành phố Long Xuyên, nhưng nơi đây (ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng) người dân vẫn giữ được nét bình dị trong từng ngôi nhà, nẻo đường. Người dân vẫn quen gọi cù lao ông Hổ thay cho Mỹ Hòa Hưng và một cái tên khác được nhiều người nhớ đến là cù lao Bác Tôn, vì đây chính là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Khu di tích Chủ tịch Tôn Đức Thắng được Bộ Văn hóa Thông tin (trước đây) công nhận là di tích lịch sử vào năm 1984, được chính quyền tỉnh An Giang định hướng quy hoạch, tôn tạo thành một khu di tích lịch sử phục vụ tham quan du lịch cho du khách trong và ngoài nước.
Bước vào khuôn viên khu di tích, chúng tôi được tận hưởng không khí trong lành, rợp bóng cây xanh của dầu, sao, điệp, bằng lăng vốn là những loại cây quen thuộc với đời sống của người dân cù lao. Tại đây, chúng tôi còn được nhìn ngắm nhiều hiện vật gắn liền với công việc của Bác Tôn, như chuyên cơ YAK 40 dùng để chở Bác Tôn đi công tác hay xe Pen Geot 404 để đưa rước bác đi làm việc, đã giúp chúng tôi phác họa phần nào về cuộc đời, sự nghiệp của Bác.
Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng được xây dựng trên khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, với tổng diện tích 1.600m2. Đền được xây dựng vào năm 1997 và hoàn thành một năm sau đó. Kiểu dáng đền rất gần gũi với truyền thống của dân tộc, với kiểu mái nhị cấp, lợp ngói đại ống đỏ, bờ nóc đắp bộ tượng lưỡng long tranh châu, bốn phía được đắp tượng hình rồng vốn đặc trưng cho kiến trúc cổ của Việt Nam. Phía trong chính điện được trang trí rất công phu, tên của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khắc theo lối chữ giả cổ, mặt chữ được mạ bằng vàng. Nổi bật là bức tượng bán thân của Bác Tôn được đúc bằng đồng đặt trên bục cao, nặng 310kg. Phía sau bức tượng là hình mặt trống đồng Ngọc Lũ được chạm nổi không chỉ toát lên vẻ trang nghiêm mà còn thể hiện cho chí khí kiên trung của Bác. Phía sau ngôi đền là nơi đặt bức tranh bằng gáo dừa với chủ đề “Bác Tôn và quê hương An Giang” do Hội Việt dừa TP.HCM thiết kế và trao tặng, để tỏ lòng thành kính đối với Bác Tôn.
Rời khỏi đền thờ, chúng tôi đến nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Trên 100 hình ảnh tư liệu, hiện vật quý giá đã khái quát gần như trọn vẹn cuộc đời của Bác Tôn. Từ hình ảnh bến đò Ô Môi in dấu chân Bác Tôn mỗi ngày đến trường, đến khi Bác làm thợ tại xưởng máy Ba Son, hình ảnh Bác Tôn kéo cao lá cờ đỏ trên cột chiến hạm France để phản chiến ủng hộ nước Nga Xô-viết non trẻ, đến khi Bác Tôn tham gia cách mạng rồi bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù và lưu đày tại nhà tù Côn Đảo…, nhưng bác vẫn không ngừng hoạt động cách mạng. Tất cả đã gây xúc động cho bao du khách đến tham quan vì chí khí không sờn của Bác.
Ông Lê Minh Do, du khách đến từ tỉnh Bình Phước cho biết: “Tôi từng đi tham quan nhiều di tích lịch sử, nhưng tôi thấy ở đây là sưu tầm đầy đủ, với nhiều tư liệu rất giá trị. Khi xem hết hình ảnh về Bác Tôn tôi càng hiểu sâu sắc về cuộc đời của Bác Tôn và thêm kính trọng về nhân cách, con người của Bác. Tấm gương của Bác Tôn rất xứng đáng để các thế hệ sau noi theo”.
Bác Tôn được biết đến không chỉ là người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nhân cách sống của Bác Tôn đã từng được Bác Hồ khẳng định không phai mờ theo năm tháng: “Đồng chí Tôn Đức Thắng, người con rất ưu tú của Tổ quốc, là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng nhân dân” - Trích lời chúc mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu giữ Chủ tịch nước năm 1969.
Một điều khá thú vị là có 2 người cháu họ của Bác Tôn đang làm việc tại khu di tích này. Chị Tôn Thị Kim Ba, cháu họ đời thứ 4 của Bác Tôn cho biết: “Khi làm việc tại đây tôi rất vui mừng và tự hào vì những truyền thống tốt đẹp của họ tộc, và có điều kiện để giới thiệu nhiều, sâu sắc hơn cho bạn bè gần xa hiểu hơn về cuộc đời của ông cha mình”.
Trong chuyến hành trình này, chúng tôi chỉ tiếc rằng khu di tích nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn đang trong giai đoạn trùng tu, nên không được tham quan. Tuy nhiên, điều đó lại thúc giục chúng tôi trong một ngày gần nhất sẽ trở lại cù lao này để hiểu trọn vẹn hơn về người anh hùng của dân tộc./.