Non nước Việt Nam

Khám phá những điểm tham quan nổi tiếng tại quần thể danh thắng Tràng An

Cập nhật: 24/09/2014 15:21:29
Số lần đọc: 1728
(TITC) - Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía nam, quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận, bao gồm ba vùng được bảo vệ liền kề nhau là khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Với những giá trị đặc sắc về thẩm mỹ, địa chất - địa mạo và văn hóa, quần thể danh thắng Tràng An là một trong những khu du lịch hấp dẫn và độc đáo của cả nước, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách tới tham quan. 


Đền vua Đinh

Điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá quần thể danh thắng Tràng An là khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Hơn 1.000 năm trước, sau khi bình định 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng và chọn Hoa Lư làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt. Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm (968 - 1010) qua ba triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ lên ngôi đã dời đô ra Thăng Long, Hoa Lư trở thành cố đô và được đổi tên thành phủ Trường Yên.

Khu vực cố đô Hoa Lư có tổng diện tích gần 315ha, bao gồm 10 đoạn tường thành nối liền các dãy núi đá tạo nên thành trong (thành Tây) và thành ngoài (thành Đông) được nối thông với nhau bởi nhánh sông Sào Khê. Phía bắc cố đô giáp sông Hoàng Long, phía đông giáp dãy núi Hang Quàn, phía nam giáp dãy núi Hang Luồn, phía tây giáp dãy núi Cổ Giải. Hệ thống núi đồi trùng điệp, sông suối chằng chịt bao quanh chính là hệ thống phòng thủ thiên nhiên vững chắc bảo vệ kinh thành. Tại đây có nhiều di tích lịch sử đặc sắc như: chùa Cổ Am, chùa Nhất Trụ, chùa Thủ, chùa – động Am Tiên, đền thờ công chúa Phất Kim, đình Yên Trạch, miếu thờ Phù Dung công chúa, phủ Kình Thiên, phủ Đầu Tường, phủ Đông Vương, hang Quàn, hang Bim,…, trong đó tiêu biểu là đền vua Đinh và đền vua Lê.  


Đền vua Lê

Đền vua Đinh thờ Đinh Tiên Hoàng (968 – 979) thuộc địa phận làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, cách chân núi Mã Yên khoảng vài trăm mét về phía nam. Được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, đến nay, ngôi đền này vẫn giữ được vẻ uy nghi trầm mặc, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Các lối đi, trụ cổng, tường gạch đều in dấu vết thời gian với những lớp rêu phong cũ kỹ cùng những khu vườn um tùm, xum xuê cây trái. Đền có kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, gồm 3 tòa: Bái đường thờ công đồng, Thiêu hương thờ Tứ trụ triều Đinh và Chính cung thờ Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các hoàng tử. Ði hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng, giữa sân có một long sàng bằng đá xanh nguyên khối dài 1,8m, rộng 1,4m, xung quanh chạm nổi hình hoa lá, con vật tinh xảo với đôi nghê đá chầu hai bên rất sống động.

Cách đền vua Đinh khoảng 200m về phía bắc là đền vua Lê thờ Lê Đại Hành (980 - 1005) thuộc làng Trường Yên Hạ, xã Trường Yên. Ðền cũng được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc” bao gồm 3 tòa: Bái đường, Thiêu hương và Chính cung nhưng qui mô nhỏ hơn đền vua Ðinh. Nét đặc biệt của đền vua Lê là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gỗ thời Hậu Lê (thế kỷ 17) được lưu giữ gần như nguyên vẹn với những nét chạm khắc tinh xảo. Tại đây, các nhà khoa học đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số đồ gốm sứ cổ.  


Khu danh thắng Tràng An

Về thăm khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư là dịp để du khách chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc độc đáo, ghi dấu thời kỳ mở nước huy hoàng, độc lập, tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt từ nghìn năm về trước.

Rời khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư 4km về phía nam, du khách sẽ đến khu danh thắng Tràng An có diện tích 6.172ha thuộc địa phận các xã Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Hòa (huyện Hoa Lư); Gia Sinh (huyện Gia Viễn) và xã Ninh Nhất, phường Tân Thành, phường Ninh Khánh (TP. Ninh Bình) để thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên mê đắm lòng người và có những phút giây thanh tịnh, thư giãn với không gian văn hóa tâm linh đặc sắc.

Được ví như một “Hạ Long trên cạn”, Tràng An hấp dẫn du khách bởi hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên đa dạng. Nhiều dãy núi đá vôi vách dựng đứng ôm trọn cả thung lũng, dưới chân các dãy núi có rất nhiều hàm ếch, cửa hang là dấu tích sự xâm thực của nước biển. Đến Tràng An, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi hệ thống gần 50 động xuyên thủy nối liền 31 thung ngập nước như một trận đồ bát quái vừa kỳ ảo vừa biến hóa khôn lường. Điều làm nên nét quyến rũ trong các hang là hệ thống nhũ đá tự nhiên cùng dòng nước mát lạnh, men theo những lối mòn hằn sâu trên vách hang, tạo thành những dòng chảy uốn lượn.

Khu danh thắng Tràng An còn là nơi có hệ sinh thái động thực vật đa dạng được ví như một “bảo tàng địa chất ngoài trời” với khoảng hơn 310 loại thực vật bậc cao, nhiều loại rêu tảo và nấm; 30 loài thú, hơn 50 loài chim, hàng chục loài bò sát, trong đó có một số loài thú quý hiếm như: sơn dương, chim phượng hoàng…

Đến đây, du khách còn có dịp tham quan các di tích văn hóa lịch sử đặc sắc như: đền Trình (phủ Đột) thờ hai vị tướng nhà Đinh; đền Trần được xây bằng đá xanh nguyên khối, trạm trổ hoa văn tinh xảo, thờ trung vương tướng Trần Quý Minh - viên tướng trấn ải Sơn Nam thời Hùng Vương thứ 18; Phủ Khống – nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với truyền thuyết khi Vua Đinh Tiên Hoàng băng hà…

Nằm trong khu danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính (thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn không chỉ quy tụ nhiều tăng ni phật tử khắp nơi mà còn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến hành hương, vãn cảnh.

Chùa Bái Đính là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, tọa lạc trên khuôn viên rộng 700ha với hơn 20 hạng mục công trình kiến trúc, bao gồm khu chùa cổ và khu chùa mới. Khu chùa cổ nằm ở lưng chừng núi Đính, lấy động núi làm chùa thờ Phật. Khu chùa mới nằm ở phía tây bắc núi Đính, có kiến trúc hoành tráng, đồ sộ, mang đậm bản sắc Á Đông, bao gồm các hạng mục kiến trúc xây dựng trên địa hình từ thấp lên cao theo đường chính đạo: cổng Tam quan, hành lang La Hán, tháp chuông, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, điện Pháp Chủ và trên cùng là điện Tam Thế.

Chùa Bái Đính lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam như: bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất (gồm 3 tượng, mỗi tượng cao 7,2m, nặng 50 tấn); bộ tượng An Nan - Ca Diếp bằng đồng lớn nhất (mỗi tượng cao 9m, nặng 30 tấn); tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng cao và nặng nhất (cao 9,5m, nặng 100 tấn); tượng ông Khuyến Thiện và Trừng Ác bằng đồng nặng nhất (mỗi tượng nặng 12 tấn); tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng lớn nhất (cao 9,57m cả bệ, nặng 80 tấn); đại hồng chung lớn nhất (nặng 36 tấn); giếng Ngọc lớn nhất (đường kính 30m, sâu 10m); nhiều cây bồ đề nhất (100 cây được trồng dịp Đại lễ Vesak 2008). Ngoài ra, chùa Bái Đính còn sở hữu ngôi Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á (13 tầng); tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (cao 10m, nặng 80 tấn) và hành lang La Hán dài nhất châu Á (500 tượng, mỗi tượng cao 2-2,5m, nặng 2-2,5 tấn, toàn bộ hành lang có chiều dài 1.052m).

Đến quần thể danh thắng Tràng An, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá khu danh thắng Tam Cốc – Bích Động, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư với tổng diện tích 350,3ha. Tam Cốc nghĩa là ba hang, gồm: hang Cả, hang Hai và hang Ba nằm dọc theo dòng sông Ngô Đồng. Hang Cả xuyên qua một quả núi lớn, dài 127m, cửa hang rộng trên 20m; hang Hai cách hang Cả gần 1km, dài 70m; hang Ba gần hang Hai, dài 45m. Đi thuyền thăm ba hang, du khách sẽ có cảm giác mát lạnh và được ngắm nhìn thạch nhũ từ trần hang rủ xuống lô nhô óng ánh như những khối châu ngọc kỳ ảo.  

Từ Tam Cốc, du khách tiếp tục đi thăm Bích Động ở thôn Đam Khê. Năm 1773, cụ Nguyễn Nghiễm (thân sinh của đại thi hào Nguyễn Du) đến thăm động, nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, bầu trời ở đây đều phủ một màu xanh ngắt nên cụ đã đặt cho động một cái tên rất đẹp và mộng mơ là Bích Ðộng (có nghĩa là Ðộng Xanh). Bích Ðộng được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì ở trời Nam). Ðến đây, du khách sẽ có dịp thăm chùa Bích Động nằm trên sườn núi, ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, gồm 3 tòa Hạ - Trung - Thượng.

Đến khu danh thắng Tam Cốc – Bích Động, du khách còn có cơ hội thăm nhiều di tích văn hóa lịch sử độc đáo khác như: đền Thái Vi, Cố Viên Lầu, hang Múa, động Tiên, thung Nắng, thung Chim…

Ngồi thuyền vãn cảnh, hòa mình với thiên nhiên sơn thủy hữu tình luôn đem lại những ấn tượng sâu sắc cho du khách. Với rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn, hành trình khám phá quần thể danh thắng Tràng An chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời đang chờ đón du khách.

Phạm Phương

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT