Non nước Việt Nam

Thưởng thức những món ngon Ninh Bình

Cập nhật: 26/09/2014 14:57:48
Số lần đọc: 2630
Đầu tiên là món cơm cháy Ninh Bình. Tương truyền, cơm cháy Ninh Bình được hình thành hơn 100 năm, do một thanh niên người Ninh Bình tên là Hoàng Thăng học được và phát triển từ món ăn của người Hoa. Từ đó món cơm cháy được lưu truyền, phát triển và trở thành đặc sản của đất cố đô.

 Ngày nay, còn có riêng một dòng cơm cháy gia truyền nổi tiếng và thơm ngon mang tên cơm cháy Hoàng Thăng. Khác với các vùng khác, từ cách chiên cho đến nước sốt đi kèm, cơm cháy Ninh Bình có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị bùi, béo mà không ngán.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn cũng là một đặc sản thú vị. Tỉnh Ninh Bình có nhiều nơi giới thiệu món ăn này, nhưng gỏi cá nhệch ở Kim Sơn được coi là ngon nhất. Để chế biến món ăn đặc sắc này cần nhiều khâu cầu kỳ. Món ăn mang hương thơm bùi bùi của gạo nếp rang, vị chua thanh của giấm xen vào vị cay ấm của gừng với tỏi, ớt, tiêu, sả. Gỏi cá nhệch thơm và bùi, mùi vị đặc trưng, ăn một lần nhớ mãi.

Kế đến là dê tái Hoa Lư. Ở Ninh Bình, dê được nuôi trên núi nên chất lượng thịt thơm, săn chắc, nhiều nạc. Bên cạnh tái dê, người Hoa Lư còn chế biến nhiều món khác như: Nem dê, dê hấp, nướng, tiết canh dê... nhưng món tái dê vẫn đứng nhất bảng. Tái dê ngon ngoài bí quyết chế biến khéo léo còn ở gia vị. Đó là các loại lá, quả ăn kèm theo, và đặc biệt là món tương gừng.

Bên cạnh đó, nem Yên Mạc được truyền lại từ đời nào không rõ, nhưng ngày nay đã vươn xa, có mặt ở nhiều khách sạn, nhà hàng cả trong và ngoài tỉnh. Nem Yên Mạc được tinh chế khá công phu, sợi nem nhỏ, đỏ hồng, rời, tươi, ướp với gia vị và lá ổi tàu để được hàng tuần. Nem Yên Mạc phải ăn kèm với chút lá ổi, lá sung, cùng rau thơm cuộn lại, chấm với nước mắm chanh, cho thêm một ít ớt, tỏi và hạt tiêu. Như vậy người ăn mới cảm nhận đủ hương vị đặc biệt của món ăn này.

Ở Ninh Bình, ốc núi có nhiều ở các dãy núi đá vôi thuộc thị xã Tam Điệp, Yên Mô, Nho Quan. Chúng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, tức là vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt. Thức ăn chính của ốc là những loại cây cỏ mọc hoang trên núi trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy khi sơ chế người ta chỉ rửa qua vì cho rằng ốc mang nhiều vị thuốc. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi…/.

Nguồn: baocantho.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT