Hương vị Mùa nước nổi
Mùa nước nổi tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có vẻ đẹp say đắm lòng người mà còn mang theo hương vị đặc trưng hấp dẫn khách du lịch.
Mùa nước nổi là mùa hoa Điển điển nở rộ, người dân đồng bằng
sông Cửu Long sử dụng loài hoa này để chế biển nhiều món ăn
tạo nên hương vị vô cùng độc đáo
sông Cửu Long sử dụng loài hoa này để chế biển nhiều món ăn
tạo nên hương vị vô cùng độc đáo
Khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về mang theo phù sa vun bồn cho ruộng đồng biến cả vùng đồng bằng sông Cửu Long thành một biển nước mênh mông. Sự thay đổi của khí hậu, thời tiết không chỉ khiến cảnh sắc thiên nhiên thay đổi mà còn mang theo nhiều hương vị ẩm thực vô cùng hấp dẫn. Chính vì lý do đó, mỗi năm cứ đến mùa nước nổi, lưu lượng khách đến du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn tăng cao. Hương vị ẩm thực đầu tiên phải kể đến đó là món Lẩu cá Linh bông Điển điển. Cá Linh mùa nước nổi chưa quá lớn, xương còn mềm, bụng cá lại có mỡ nên có vị béo. Bên cạnh đó, mùa này cũng là mùa hoa Điển điển khoe sắc khắp các mé sông. Lẩu cá Linh nấu cùng bông Điển điển mang lại hương vị rất thơm, béo, bùi nhưng không ngấy.
Lẩu cá Linh hoa Điển điển - món ngon không thể bỏ qua khi đến đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi, khi đó cá Linh còn non, hoa Điển điển đã nở rộ. Sự kết hợp độc đáo, tinh tế đã tạo nên hương vị khó quên cho món ăn
Cũng như những món lẩu khác, lẩu cá Linh ngon cần phải chọn được cá tươi, cân nặng vừa phải. Cá sau khi được làm sạch thì để ráo nước rồi ướp cùng gia vị, tỏi, chút đường và muối. Thay vì dùng nước trắng để nấu, lẩu cá Linh phải được nấu bằng nước dừa. Khi nấu thêm chút mắm và me chua. Cá Linh khá mềm do đó thời gian chế biến món ăn này chỉ chừng 20-30 phút. Sau khi nước lẩu đã hoàn thành, thay vì dùng các loại rau khác ăn cùng với lẩu, người dân đồng bằng sông Cửu Lòng sử dụng hoa Điển điển, ăn tới đâu nhúng tới đó để giữ vị ngọt, độ giòn của hoa. Lẩu cá Linh bông Điển điển mang vị đặc biệt pha lẫn vị chua chua, thơm thơm của hoa Điển điển với vị ngọt, béo của cá Linh và một số gia vị của miền Tây. Lẩu cá Linh ăn kèm với bún và ít mắm ớt để chấm cá sẽ khiến thực khách xuýt xoa, khoái khẩu vô cùng.
Hương vị đặc trưng thứ hai của mùa nước nổi là món Mắm kho bông súng. Món ăn ngày xuất hiện từ chính nhu cầu hàng ngày của người dân nơi đây. Khi nước lên, người dân vùng sông nước không thể cầy cấy bởi những cánh đồng của họ hoàn toàn đã ngập nước. Cá thì nhiều ăn không hết nhưng rau lại hiếm. Chính vì thế, người dân đã mày mò tìm cách chế biến cá thành mắm, lấy mắm này kho với bông súng – loài hoa mọc nhiều vào mùa nước tạo thành một món ăn rất hấp dẫn. Đầy đủ hơn thì sử dụng mắm này kho cùng thịt ba rọi, tép hoặc cà tím rồi ăn cùng với hoa bông súng thay cho rau. Đây là món ăn dân dã của người dân vùng sông nước, nhưng với hương vị đậm đà hấp dẫn món ăn dân dã này đã thuyết phục nhiều khách du lịch khi đến tham quan vùng đất này từ nhiều năm qua.
Mắm kho bông súng tuy là món ăn dân dã, rất bình dị thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày của người dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long nhưng dư vị của nó lại có thểm làm khách du lịch nhớ mãi
Cá rô đồng cuốn lá sen non là hương vị đặc trưng thứ ba của mùa nước nổi, món ăn này nổi tiếng nhất ở Đồng Tháp Mười bởi nơi đây có nhiều sen. Cách chế biến món này khá đơn giản, cá rô đồng sau khi bắt về rửa sạch thì đem thui rơm cho chín thơm. Lá sen để sử dụng thay cho bánh tráng phải chọn những lá sen non, nằm gọn trong lòng bàn tay, mép lá còn cuốn chặt, tươi rói chưa kịp xòe mở. Khi ăn, cá sẽ được gỡ làm đôi, đặt miếng cá vào giữa lá sen non, rắc thêm ít đậu phộng đã rang giòn, ít hành phi, cuộn chặt lại rồi chấm cùng nước mắm pha me. Đơn giản vậy thôi, nhưng ai đã từng được thưởng thức món ăn này sẽ không thể quen được vị béo thơm của cá rô đồng mùa nước nổi, vị thanh xen lẫn chút chát nhẹ của lá sen non và vị chua cay của nước chấm. Không cầu kỳ, không kiểu cách nhưng hương vị đặc trưng của vùng sông nước này đủ sức làm say lòng những vị khách khó tính nhất.
Cá rô đồng hay có lóc nước cuốn lá sen non cũng là một sự kết hợp độc đáo và tinh tế tạo ra hương vị riêng cho ẩm thực vùng sông nước Cửu Long
Ngoài ba món ăn trên, ẩm thực mùa nước nổi còn có những món ăn khác cũng vô cùng hấp dẫn như: Chuột đồng nướng lu; Cá lóc nước đất sét; Cá trắng kho mía; Mắm cá Linh chấm ngó súng; Cơm gói lá sen…Tuy chỉ là những món ăn dân dã, rất đỗi bình dị nhưng hương vị mùa nước nổi ngày càng trở nên nổi tiếng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: Cinet