Hoàng Thành Thăng Long: Hành trình đến Di sản văn hóa thế giới
Vì lẽ đó, mới đây, UBND thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã giới thiệu Hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Giá trị toàn cầu
Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tại số 18, phố Hoàng Diệu được khai quật từ tháng 12/2002 và phát lộ trên diện tích lớn vào giữa năm 2003. Diện tích khai quật là 19.000m2. Đến nay, nhiều hội thảo khoa học liên ngành về công trình này đã được tổ chức. Nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận như vị trí của khu di tích trong cấu trúc thành Thăng Long - Hà Nội; tính chất và niên đại các di tích, giá trị, cấu trúc và niên đại một số di vật; mối quan hệ giữa các tầng văn hóa,...
Khu di tích gồm nhiều tầng văn hóa nối tiếp nhau khá liên tục từ thời An Nam đô hộ phủ-Đại La thế kỷ VII-IX; rồi thời Lý, Trần, Lê sơ đến Mạc, Lê trung hưng thế kỷ XI-XVIII đến thời Nguyễn thế kỷ XIX, mang bề dày lịch sử - văn hóa từ thời Thăng Long và gần 1.000 năm thời Thăng Long-Hà Nội. Theo kết quả so sánh của một số nhà khoa học trong nước và quốc tế thì di sản này mang tầm cỡ thế giới, thoả mãn các tiêu chí để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. ông Koichiro Matsura, Chủ tịch UNESCO từng nói: “Khu di tích này có giá trị văn hóa và lịch sử vô cùng quan trọng. Chiểu theo Công ước về Di sản văn hóa thế giới, nó hoàn toàn có thể được xem là di sản văn hóa của nhân loại”.
Thoả mãn các tiêu chí
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cho biết, việc đề nghị UNESCO công nhận khu trung tâm Hoàng Thành là di sản văn hoá thế giới được coi là một trong những hoạt động chính kỷ niệm 54 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10, đồng thời hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Về khả năng được UNESCO công nhận, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội khẳng định rất chắc chắn. Theo các chuyên gia, để trở thành di sản văn hoá thế giới chỉ cần đáp ứng 1 trong 6 tiêu chí của UNESCO, trong khi Hoàng Thành hội tụ được 3 tiêu chí, đó là: Tiêu chí dành cho những di sản có khả năng biểu đạt sự giao thoa lớn giữa các giá trị nhân văn trong một giai đoạn lịch sử hoặc trong một vùng văn hoá của thế giới, thể hiện sự phát triển của kiến trúc hoặc kỹ thuật, công trình nghệ thuật kỳ vĩ, quy hoạch đô thị hay các công trình tạo dựng cảnh quan; Tiêu chí dành cho các di sản có ý nghĩa như một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng là đặc thù của một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc vừa mất đi; Tiêu chí dành cho những di sản có mối liên hệ trực tiếp hoặc rõ ràng với những sự kiện hay truyền thống còn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và văn học có giá trị nổi bật toàn cầu.
Theo bà Hằng, đặc trưng của Hoàng Thành ở chỗ, đây là trung tâm quyền lực, chính trị lâu đời của quốc gia trong nhiều thế kỷ. Hơn thế, khu di tích còn thể hiện rõ sự kết hợp hài hoà các phong cách kiến trúc châu á, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, nghệ thuật tạo hình và xây dựng cảnh quan. Điều đó chứng tỏ, quá trình củng cố thể chế quốc gia của người Việt diễn ra song song với sự hình thành các nền văn hoá, thể chế quốc gia ở khắp nơi trên thế giới.
Bộ hồ sơ công phu
Ông Sơn cho biết, công tác lập hồ sơ đề cử đã nhận được sự phối hợp nhiệt tình của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và các chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Pháp, Anh... Vì vậy, hồ sơ gửi đi hoàn thành đúng tiến độ và đệ trình lên UNESCO đúng thời hạn quy định, đảm bảo cả về nội dung và hình thức.
Về nội dung, bộ hồ sơ gồm 9 mục, 862 trang, bao gồm cả phụ lục được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cùng với hồ sơ là 435 bức ảnh và một tập phim giới thiệu về Hà Nội dài 41 phút 35 giây... miêu tả khá chi tiết vị trí địa lý của Việt Nam, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long nhìn từ vệ tinh, báo cáo mô tả chi tiết di sản và kế hoạch phát triển, tình trạng bảo tồn, ảnh di vật... Vùng lõi của di sản rộng 18ha, bao gồm khu di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ ở số 18 đường Hoàng Diệu. Vùng đệm của di sản rộng 108ha, bao gồm toàn bộ khu trung tâm chính trị Ba Đình nối đến phần đường Nguyễn Tri Phương, tiếp giáp với phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trần Phú, ông ích Khiêm, Sơn Tây, Ngọc Hà.
Ban tổ chức cho biết, theo lịch trình, ngày 15/11/2008, Ban thư ký Uỷ ban Di sản thế giới sẽ có ý kiến phản hồi và góp ý để Việt Nam hoàn thiện hồ sơ chính thức, nộp trước ngày 1/2/2009. Tháng 3/2010, các chuyên gia UNESCO sẽ đến Hà Nội kiểm tra, đánh giá thực trạng khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Nếu không có gì thay đổi, khoảng tháng 6 – 7/2010, UNESCO sẽ có câu trả lời chính thức, và đây sẽ là món quà đầy ý nghĩa trong dịp Thăng Long – Hà Nội kỷ niệm đại lễ 1.000 năm tuổi.