Hà Nội: Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu 2014
Theo đó đợt 1 bắt đầu từ ngày 15/10 đến ngày 17/11, sau khi triển khai sẽ lựa chọn những tiết mục xuất sắc nhất để tham dự đợt 2 ngày 28,29/11.
Tại cuộc họp triển khai Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu 2014, Phó giám đốc Sở VHTTDL thành phố Hà Nội – Nguyễn Khắc Lợi cho biết: Liên hoan năm nay quy tụ gần 250 nhóm chầu văn tham gia, con số này tăng đáng kể so với liên hoan năm trước. Liên hoan đợt 1 cấp quận, huyện, thị xã được tổ chức tại bảy điểm đền, phủ tại Hà Nội. Tại mỗi địa điểm sẽ tổ chức từ 20 tới 25 nhóm thực hành, trình diễn tín ngưỡng thờ Mẫu, từ những nhóm này Ban tổ chức sẽ lựa chọn những nhóm xuất sắc nhất tham dự đợt 02 cấp thành phố. Tại cả 07 đền, phủ đều tổ chức khai mạc và bế mạc nhằm tôn vinh các nhóm thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời để công chúng hiểu rõ hơn về giá trị của loại hình văn hóa tín ngưỡng này.
Được biết, tác phẩm tham gia liên hoan là những giá đồng trong nghi lễ chầu văn truyền thống (36 giá đồng), ca ngợi các vị thần và các anh hùng có công với dân tộc đã được hiển Thánh trong nhân dân. Mỗi nhóm trình diễn tối đa bốn giá đồng với thời gian trình diễn tối đa là 60 phút. Ban tổ chức cũng yêu cầu các nhóm khi trình diễn không sử dụng tiền có mệnh giá lớn để phát lộc, không phán truyền hoặc thực hiện những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa trong quá trình diễn xướng. Ban tổ chức cũng quy định rõ: Mỗi nhóm chầu văn tham gia liên hoan được quy định một thanh đồng, một đội cung văn, hầu dâng, người phục vụ. Tổng số lượng thành viên của một nhóm chầu văn tối đa 10 người.
Đợt 02 của liên hoan sẽ diễn ra trong 02 ngày 28,29/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Trong thời gian tổ chức đợt 2, còn có tọa đàm “Thực trạng văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hà Nội”.
Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức không chỉ là hình thức tôn vinh loại hình nghệ thuật phi vật thể này, mà qua đây còn giúp người dân có cái nhìn rõ nét và hiểu biết hơn về giá trị văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Bên cạnh đó, liên hoan cũng góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể - tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt, chuẩn bị cho việc đệ trình Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.