Hoạt động của ngành

Nghĩa Lộ (Yên Bái): Khai thác văn hóa dân gian nhà sàn trong phát triển du lịch

Cập nhật: 20/10/2014 09:16:30
Số lần đọc: 2001
Nghĩa Lộ là thị xã đầu tiên trong cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm điểm xây dựng đơn vị văn hóa cấp huyện khu vực miền núi đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau 10 năm xây dựng thị xã văn hóa gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, đến nay, mô hình thị xã văn hóa bước đầu đã được hình thành. Tháng 9/2013, UBND tỉnh Yên Bái đã tiếp tục xây dựng Đề án “Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 – 2020”, không chỉ xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa mà còn trở thành một điểm du lịch của tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi cho thị xã trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào Thái đen Mường Lò và khai thác những giá trị đó cho phát triển du lịch.
 

Một trong những giá trị văn hóa truyền thống của người Thái đã được thị xã khai thác khá thành công trong thời gian qua là văn hóa dân gian nhà sàn. Hiện nay, ngoài khu trung tâm bảo tồn văn hóa nhà sàn và làng nghề tại xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, thị xã có khoảng 20 hộ dân đã và đang khai thác giá trị nhà sàn để làm du lịch cộng đồng, tập trung tại bản Đêu, xã Nghĩa An và bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi; có gần 10 hộ đã có cơ sở nhà sàn bảo đảm cho ăn ngủ, nghỉ phục vụ nhu cầu cho du khách trong nước và quốc tế.

Năm 2013 - 2014, các hộ người Thái làm du lịch cộng đồng ở thị xã đã đón trên 10.000 lượt khách, trong đó có nhiều khách quốc tế đến từ Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Thụy Điển, Pháp, Bỉ…

Anh Hoàng Minh Đức - một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cùng 5 người bạn Thụy Điển nghỉ tại nhà sàn của chị Lường Thị Hồng Chung tại bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi cho biết: "Nghĩa Lộ - Mường Lò rất đẹp; con người cởi mở, nồng hậu, chân thành; ăn uống, ngủ nghỉ, mọi sinh hoạt rất thoải mái, ẩm thực dân tộc dân dã, rất lạ và ngon. Ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi chưa bao giờ được sống trong cảnh sáng, chiều, tối nồng thơm mùi hương lúa như vậy. Cảm giác đó rất dễ chịu. Có dịp, chúng tôi sẽ đưa gia đình trở lại Mường Lò”.

Chị Hoàng Thị Phượng ở bản Đêu, xã Nghĩa An là người có nhiều thành công trong việc khai thác nhà sàn của gia đình làm du lịch. Chị đã liên kết với trên 20 công ty du lịch, lữ hành trong nước và có khách thường xuyên ăn, nghỉ tại nhà. 5 năm qua, chị đã đón 4.100 lượt khách du lịch quốc tế, chủ yếu là người Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan... và 25.000 khách du lịch trong nước. Doanh thu du lịch của chị sau khi trừ chi phí bình quân mỗi năm khoảng 70 triệu đồng.

Người Pháp rất khó tính trong du lịch song khi đến với Mường Lò - Nghĩa Lộ cũng thấy rất hài lòng. Anh Tartuffe - du khách Pháp và là người khách thứ 4.000 sống tại nhà sàn cộng đồng của chị Hoàng Thị Phượng cho biết: “Chúng tôi rất thích sống ở những nơi dân dã như thế này và cảm thấy sự thân thiết giữa chủ và khách giống như người một gia đình vậy, lại được ăn các món ăn rất đặc biệt, được xem múa xòe và nghe hát dân ca. Mọi thứ thật tuyệt vời!”.

Những thành công ban đầu trong việc khai thác giá trị văn hóa dân gian của nhà sàn người Thái Mường Lò cần được thị xã tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa để du lịch cộng đồng Nghĩa Lộ - Mường Lò ngày càng phát triển.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục