Bắc Hà (Lào Cai) tạo sức bật cho du lịch cộng đồng
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là du lịch cộng đồng phát triển bền vững chưa và đã thực sự trở thành mối quan tâm của người dân chưa? Những câu chuyện chúng tôi ghi được sẽ góp phần trả lời câu hỏi này.
Vui buồn Làng du lịch cộng đồng
Chúng tôi về thăm thôn Na Lo, xã Tà Chải vào một ngày cuối thu. Trong gian nhà sàn rộng rãi, ông Vàng A Văn tay đang lật giở cuốn sổ dày và miệng nhẩm tính những con số ghi trên các trang giấy. Từ đầu năm 2014 đến nay, gia đình ông đón được khoảng 300 khách du lịch về lưu trú tại gia, chủ yếu là khách nước ngoài. Mỗi tháng, gia đình đón được từ 25 - 30 khách. Riêng trong tháng 10, có 20 đoàn với trên 60 khách. Thậm chí, tháng 11 và tháng 12 đã có 15 đoàn khách nước ngoài đặt trước ngày đến nghỉ để khám phá bản làng. Ông Văn tươi cười: Nhà tôi bắt đầu làm dịch vụ homestay từ năm 2009. Khi đó, thấy gia đình tôi có nhà sàn rộng rãi, thoáng mát, địa thế lại đẹp, có thể ngắm cảnh núi non, vườn mận tam hoa… một số công ty du lịch và khách sạn đã đến đặt vấn đề gửi khách đến nghỉ trọ để thăm thú bản làng, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc địa phương. Tôi bàn với vợ con, dọn dẹp lại nhà cửa sạch sẽ, dành riêng sàn trên cho khách nghỉ. Khách ngủ qua đêm thì 80.000 đồng/người. Còn ăn sáng thì 50.000 đồng/người, ăn trưa và ăn tối 150.000 đồng/người. Nếu khách yêu cầu thì gia đình mời đội văn nghệ của thôn về nhà biểu diễn các tiết mục hát, múa cho khách thưởng thức. Làm dịch vụ homestay nhàn hơn làm nông nghiệp, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết ở thôn Na Lo không chỉ có nhà ông Vàng A Văn làm dịch vụ homestay. Các hộ khác như: Vàng Văn Khảo, Vàng Thị Dìn, Vàng Văn Ly cũng dọn dẹp nhà sàn của gia đình, mở dịch vụ lưu trú tại gia phục vụ khách du lịch để nâng cao thu nhập. Ông Vàng Văn Đông, Trưởng thôn Na Lo cho biết: Mấy năm gần đây, thôn Na Lo đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bê tông hóa đường nội thôn, đường liên gia và dọn dẹp vệ sinh môi trường thường xuyên, các hộ cũng quan tâm chỉnh trang lại nhà cửa, trồng hàng rào cây xanh, tạo ra quang cảnh xanh, sạch, đẹp. Bà con tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị bản sắc dân tộc, từ ngôi nhà sàn truyền thống, đến phong tục tập quán, trang phục, các điệu múa, hát…
Từ đây, du khách đến Na Lo ngắm cảnh, khám phá bản sắc dân tộc ngày càng nhiều hơn, du lịch cộng đồng phát triển, đem lại thu nhập cao cho một số hộ dân. Đội văn nghệ của thôn có 14 người, hầu như tuần nào cũng được thuê biểu diễn phục vụ khách. Có tháng biểu diễn tới 8 buổi. Mỗi buổi biểu diễn 2 tiếng giá từ 700.000 - 800.000 đồng. Ngoài ra, các nông sản của bà con trong thôn làm ra cũng tiêu thụ tốt, tạo thu nhập thường xuyên. Cả thôn Na Lo có 72 hộ. Năm 2013 thôn còn 14 hộ nghèo. Năm nay, Na Lo có thêm 8 hộ thoát nghèo.
Trước khi về thăm thôn Na Lo, trên đường lên Bắc Hà chúng tôi vào thăm Làng du lịch cộng đồng thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai. Cách đây 2 năm, tôi có về thăm Trung Đô. Trên đường vào thôn, tôi gặp từng đoàn khách Tây, khách ta đi tản bộ ngắm cảnh, chuyện trò rôm rả. Bà con mở dịch vụ xe trâu để chở khách đi dạo quanh thôn, xe nào cũng chật khách. Rồi dưới sông Chảy, khách chen chân lên thuyền tham gia tour du lịch ngược dòng sông từ Bảo Nhai lên tới Hang Tiên. Đông vui nhất là vào mùa lễ hội, cờ cắm rực rỡ đường vào thôn, khách cứ nườm nượp kéo về dâng hương ở đền Trung Đô…Vậy mà hôm nay, đường vào Trung Đô vắng tanh.
Trưởng thôn Lục Văn Tỉnh đợi tôi ở đầu thôn, nét mặt có vẻ trầm tư. Câu chuyện cũng dài, nhiều băn khoăn, trăn trở. Trung Đô bây giờ có 111 hộ dân, trong đó 70% là dân tộc Tày. Thời điểm năm 2011, năm 2012, du lịch cộng đồng thôn Trung Đô đang ở thời kỳ “hoàng kim”, nên thôn có trên 10 hộ làm dịch vụ homestay, nhà nào cũng đông khách. Thế nhưng hiện nay, lượng khách đến Trung Đô giảm đi trông thấy.
Chị Lâm Thị Nghiêm, chủ ngôi nhà sàn đẹp nhất Trung Đô thở dài: Từ đầu năm 2014 đến nay, nhà mình mới chỉ đón được khoảng 16 đoàn khách, bằng 1 tháng so với trước đây. Ngôi nhà sàn này mình đầu tư trên 500 triệu đồng để làm dịch vụ homestay, nhưng bây giờ khó khăn quá… Nhà chị Nghiêm đã vậy, còn các hộ khác như: Lâm Văn Chưởng, Lâm Văn Vàng, Mai Văn Khởi, Chu Văn Giang, Hà Văn Điêu, Hà Văn Tương, Lâm Văn Long… cả năm nay hầu như không đón được khách nào.
Tạo sức bật cho du lịch cộng đồng
Điều gì đã khiến cho một Làng du lịch cộng đồng nổi tiếng như Trung Đô bây giờ trở nên hiu hắt, vắng khách đến như vậy? Câu hỏi này tôi cũng tự đặt ra nhiều lần để tìm nguyên nhân sự việc, nhưng cũng khó mà khẳng định được đâu là nguyên nhân chính, có lẽ do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trung Đô có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng như có dòng sông Chảy trong xanh, có làng bản quây quần dưới chân núi, ruộng đồng trù phú, phong cảnh nên thơ, có đồng bào các dân tộc Tày, Nùng… với nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc, có cả Đền Trung Đô, một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tuy nhiên, thôn không có sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách, không có đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch chuyên nghiệp. Người dân trước đây có một số hộ mở dịch vụ homestay, nhưng vẫn chỉ coi đây là công việc phụ, còn làm nông nghiệp mới là việc chính. Thời gian vừa qua, tour du lịch sông Chảy hoạt động kém hiệu quả, khách du lịch đến đây thất vọng vì đã đặt tuor mất tiền mà không được phục vụ chu đáo, cảm giác như bị “đánh lừa”. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Làng du lịch cộng đồng Trung Đô vắng khách…
Câu chuyện ở thôn Na Lo, xã Tà Chải hay ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai điển hình cho nhiều thôn, bản khác trên địa bàn huyện Bắc Hà về phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, Bắc Hà có nhiều thôn, bản đang trở thành điểm sáng về phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, mở ra triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng cũng có những thôn, bản đang gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Phát triển các loại hình du lịch cộng đồng là hướng đi đúng đắn, phù hợp với Bắc Hà, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của nhiều thôn, bản góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để tạo ra “sức bật” cho du lịch cộng đồng, thì việc trông vào những tiềm năng sẵn có là chưa đủ. Huyện Bắc Hà đang xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2014 - 2020, với tổng dự toán kinh phí trên 57,7 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát của đề án là đưa du lịch nói chung trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Theo đề án, thời gian tới, huyện Bắc Hà sẽ phân vùng du lịch, cùng với các loại hình du lịch khác, thì du lịch cộng đồng được tập trung phát triển ở một số thôn, bản như: Thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai), thôn Na Lo (xã Tà Chải), thôn Cốc Sâm (xã Cốc Ly), thôn Nậm Tồn (xã Nậm Khánh), thôn Phương Mị (xã Bản Liền)... Bắc Hà sẽ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hoàn thiện hệ thống dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách. Công tác đào tạo kỹ năng, kiến thức du lịch cho cán bộ quản lý, nhân viên ngành du lịch và các hướng dẫn viên thôn, bản là người dân tộc thiểu số được chú trọng. Vấn đề giáo dục ý thức, văn hóa ứng xử cho cộng đồng được quan tâm đúng mức, nhằm tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức về du lịch, giúp người dân hiểu rõ nguồn lợi từ phát triển du lịch.
Hiện nay, việc thực hiện các giải pháp tạo “sức bật” cho du lịch cộng đồng ở Bắc Hà đang được các xã, thôn, bản gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng quan trọng là đã và đang tạo được sự đồng thuận của người dân. Hy vọng rằng, cùng với việc triển khai hiệu quả Đề án Phát triển du lịch huyện Bắc Hà giai đoạn 2014 - 2020, du lịch cộng đồng nói riêng và du lịch Bắc Hà nói chung sẽ có những bước tiến vững chắc, tạo đà để “bứt phá” trong tương lai./.