Đông Nam Á những điểm đến linh thiêng
Đền Angkor - Ngôi đền thiêng ở Campuchia
Báu vật quý giá nhất ở Campuchia là đền Angkor, một trong những kì quan của thế giới. Đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XII (khoảng năm 1150) là niềm tự hào của nhân dân Campuchia, một công trình kiến trúc vĩ đại của loài người, xây dựng bằng trí tuệ, nỗ lực và tinh thần tôn giáo cao cả. Đây là một quần thể kiến trúc gồm 600 công trình nằm rải rác trong vùng rừng núi rộng 45km2.
Đền Angkor là kiến trúc của Ấn Độ giáo, vừa là đền chùa, vừa là lăng mộ của hoàng đế Javavarman I. Xung quanh đền có hào rãnh vây quanh, thiết kế cân đối, diện tích tường bao quanh là 830.610m2. Angkor Thom, Angkor Vát, Bayon và Taprom là một trong các di tích quan trọng bậc nhất, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer.
Đền Bayon được tạo bởi 50 ngọn tháp bằng đá, chính giữa là tháp vàng hình tròn, cao 45m. Trên đỉnh của mỗi tháp đều có tượng Phật mỉm cười. Những phù điêu bằng đá kể về sự tích Phật Thích Ca và là cuốn biên niên sử về cuộc sống của người Campuchia trong thời đại Angkor.
Đền Taprom còn được gọi là lăng mộ Hoàng hậu có nhiều cây cổ thụ lớn phủ quanh, tạo nên hình thù kỳ quái. Quay mặt về hướng Tây là đền Angkor Wat có chiều dài Nam - Bắc là 1.400m, và Đông - Tây 800m. Toàn bộ Angkor đều làm từ các tảng đá xếp chồng lên nhau, họa tiết trang trí 1.700 vũ nữ, các chiến binh và hoa lá rất mềm mại, phong phú.
Đền Angkor một thành tựu kiến trúc huy hoàng, rực rỡ, thể hiện một trình độ rất cao về hình học không gian. Trong điều kiện có hạn, kiến trúc và kỹ thuật còn thu hẹp, nhưng hiệu quả về chỉnh thể của nó khiến người đời kinh ngạc và ngợi ca.
Chùa Vàng (Svedagon) - Niềm kiêu hãnh của người dân Myanmar
Chùa Svedagon được mệnh danh là chùa Vàng. Theo sử sách thì vào năm 1372, vua Hatavadi (tức Pegu) đã cho dựng lại tháp Svedagon cao 20m gần làng Dagon. Nên ngôi tháp này có tên là Dagon vàng - Svedagon (tiếng Myanmar, Sve là vàng).
Chùa Vàng là một quần thể kiến trúc nằm trong một khu hình chữ nhật (214m x 275m) chạy dài theo hướng Bắc - Nam và cao hơn vùng đất xung quanh 20m. Bốn dãy tam cấp ở bốn mặt từ dưới dẫn tới khu chùa đều được lợp mái. Dài nhất là tam cấp phía Tây (175m), ngắn nhất là tam cấp phía Nam (104m).
Tháp lớn nằm chếch về phía Nam khu chùa Vàng là một mẫu hình tiêu biểu cho kiểu tháp Phật giáo Hạ Miến (tức nước Myanmar ngày nay). Chùa gồm 100 tòa nhà lớn nhỏ chạm khắc tinh vi. Trang trí bao quanh chùa là vàng dát mỏng, tổng cộng lượng vàng trang trí trên tháp là 500kg. Toàn bộ ngôi chùa được tô điểm bằng 5.450 viên kim cương và 2.320 viên hồng ngọc, lam ngọc…Trên các vành đai quanh trụ đỉnh tháp treo 1.065 quả chuông vàng và 421 chuông bạc. Mái chùa khum giống hình một quả chuông khổng lồ. Ngoài chùa chính cao 112m, còn có các chùa phụ bao quanh trong một khuôn viên rộng 214m x 175m, chạy dài theo hướng Bắc - Nam. Đến Yangon du khách sẽ được tiếp cận với nền văn hóa đa dạng, mang đậm bản sắc của Myanmar.
Đền Borobudur - Điểm dừng chân lý tưởng của Phật tử
Nằm cách Yagyakarta 42km về phía Bắc, đền Borobudur - Indonesia là di chỉ Phật giáo lớn nhất thế giới và là một trong những kỳ quan lớn của thế giới. Đền được xây dựng từ thế kỷ VIII - IX, nhưng vẫn chưa hoàn thành và bị bỏ hoang. Mãi đến thế kỷ XVIII, Borobudur mới được phát hiện trong đống hoang phế và bụi cây cỏ rậm rạp.
Toàn bộ ngôi đền được xây theo hình tháp, ở chính giữa có ngọn “Tháp Bà” cao 42m, móng của đền được xếp bằng những phiến đá rộng 120m2, đền Borobudur gồm 9 tầng. Các bức tường và lan can được trang trí bằng phù điêu tinh xảo. Tổng diện tích bề mặt lên tới 2.500m2. Xung quanh các tầng đường tròn là 72 tháp chuông hình mắt cáo, từng tháp bên trong có một bức tượng của Đức Phật ngồi. Trên mỗi phiến đá xung quanh tường đều khắc những tích chuyện của Phật giáo và những câu chuyện ngụ ngôn.
Vẻ đẹp của Borobudur được ví như đóa sen rực rỡ nổi giữa lòng hồ. Borobudur có kiến trúc, hình dáng và cảnh quan khác xa những đền thờ truyền thống của Indonesia. Vào đêm trăng tròn tháng 5 có tổ chức lễ hội lớn, tín đồ Phật giáo ở khắp nơi trên thế giới đều về đây lễ Phật. Ngôi đền đã được phục hồi với sự giúp đỡ của UNESCO trong năm 1970 và được ghi vào danh sách Di sản văn hóa thế giới. Ngày nay, nó là một trong những kỳ quan kiến trúc nổi tiếng ở châu Á và là điểm tham quan hấp dẫn khi tới Indonesia./.