Non nước Việt Nam

Khai mạc Lễ hội Chùa Ông Núi ở Phù cát (Bình Đình)

Cập nhật: 16/03/2015 09:33:44
Số lần đọc: 2238
Sáng 14/3 (24 tháng Giêng), hàng vạn người dân cùng du khách thập phương về Chùa Ông Núi (Linh Phong Tự) ở thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn, an lành, thịnh vượng. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 24 và 25 tháng Giêng hàng năm.

Năm nay Lễ hội chùa Ông Núi trùng vào 2 ngày thứ 7, chủ nhật nên khách hành hương về chùa trẩy hội rất đông. Nhiều đoàn du khách gần, xa nườm nượp, nô nức nối nhau từ dưới chân núi lên đến chùa cầu nguyện đồng thời thưởng ngoạn mặc dù hiện tại chùa còn đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo.

Chùa Ông Núi tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung, đỉnh cao nhất của dãy núi Bà; có lịch sử hơn 320 năm, trải qua 12 đời thừa kế với nhiều giai thoại, cảnh quan thiên nhiên đẹp, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Theo tài liệu của Chùa biên soạn năm 2001: Chùa do Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chánh Hoà thứ 5 thời vua Lê Hy Tông (trong Đại nam nhất thống chí thì chùa thành lập năm 1702, Chánh Hoà thứ 11- Nhà Lê). Sau đó sư thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban (tức thiền sư Thiện Trì Tịnh Giác) để đi vào Nam tu hành.

Tương truyền sư Lê Ban là bậc tiên phong đạo cốt, Sư dựng một ngôi chùa bằng cỏ tranh, quanh năm ở trên núi tu luyện và hái thuốc chữa bệnh cứu người, mặc quần áo bằng vỏ cây nên cư dân trong vùng gọi là Mộc Y Sơn Ông (ông núi mặc áo vỏ cây). Nhân dân trong vùng rất kính trọng không dám gọi tên mà gọi là ông Núi, thức ăn là cây trái trên rừng; thỉnh thoảng khi cần gạo, ông Núi gánh củi xuống để chân dốc, nhân dân biết ý, đem gạo treo gốc cây gần đó, rồi lấy củi mang về. Sư mất năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn.

Đến năm Qúy Sửu (1733) Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho ông Núi pháp hiệu “Tĩnh giác Thiện trì đại lão Thiền sư” cho xây lại chùa và đổi tên là Linh Phong Tự. Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ban áo cà sa vòng ngọc, móc vàng cho ông Núi. Đến năm 1829, Minh Mạng thứ 10, triều đình xuất kho cấp 120 nén bạc để trùng tu lại chùa, là cơ sở Phật giáo lâu đời nổi tiếng của Bình Định.

Năm 1967, chùa bị bom đạn chiến tranh xoá sạch; theo nguyện vọng của người dân, đến năm 1990 chùa được đầu tư xây dựng lại. Năm 2000, tượng ông Núi (Thiền sư Lê Ban), tượng ngồi cao 84cm nhũ vàng được tạo tác đặt tại hang Tổ.

Lễ hội chùa Ông Núi được tổ chức vào ngày 24, 25 tháng Giêng âm lịch hàng năm, ngày húy kỵ Tổ Viên Minh (tức Hòa thượng Thích Trừng Tịnh) một trong những người có công lớn xây dựng và phát triển của chùa. Theo thông lệ vào dịp này, hàng vạn người dân địa phương cùng du khách hành hương về đây viếng Phật, đến hang Tổ dâng hương ngưỡng vọng công đức của Ông Núi./.

Nguồn: tamnhin.net

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT