Hoạt động của ngành

Tiềm năng lớn phát triển du lịch nông thôn ở Thái Bình

Cập nhật: 17/12/2014 08:30:27
Số lần đọc: 2158
Trong xu thế phát triển các loại hình du lịch ngày một đa dạng và nhiều màu sắc, việc chọn cho mình một chuyến nghỉ mát với những nhà hàng, khách sạn sang trọng tiện nghi không còn là ưu tiên hàng đầu của nhiều du khách. Mà thay vào đó là xu hướng muốn khám phá các khía cạnh khác nhau của cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Một trong các xu hướng hấp dẫn đó chính là “du lịch nông thôn”.

 

Du lịch nông thôn trên thực tế không chỉ góp phần mang lại công ăn việc làm, cuộc sống ổn định cho người dân mà còn tạo động lực duy trì và bảo tồn những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Chú trọng đồng thời đến lợi ích xã hội và kinh tế chính là ưu điểm lớn nhất của loại hình du lịch này.

 

Thái Bình là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng châu thổ Sông Hồng, cũng là một trong những vựa lúa lớn của miền Bắc. Cùng với sự bồi đắp phù sa màu mỡ từ dòng chảy sông Hồng, Thái Bình nổi tiếng với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những xóm làng trù phú mang nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nếu so sánh với những tỉnh lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội hay Ninh Bình…, Thái Bình không hẳn là một địa chỉ thực sự hấp dẫn thu hút tính hiếu kỳ của du khách. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà vùng đất này vẫn giữ được nét thuần phác, chân thật, giữ được chất “lúa” nguyên gốc - đó chính là tiềm năng phát triển du lịch nông thôn đầy hứa hẹn, có thể đem lại lợi ích kinh tế - văn hóa, góp phần thay đổi bức tranh du lịch chưa nhiều sắc màu của tỉnh.
 

(Quê lúa - Vũ Ngọc Thiện, Kiến Xương, Thái Bình)
 

Dựa trên các nghiên cứu về đặc điểm tự nhiên, kinh tế và xã hội, Thái Bình được đánh giá là có khả năng phát triển du lịch nông thôn trên các khía cạnh: Du lịch làng nghề truyền thống, Du lịch cộng đồng và Du lịch nông sinh học với hai địa phương tiêu biểu có thể kể đến là làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương) và Nguyên Xá (Đông Hưng).

 

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm cách trung tâm thành phố 20km, nổi tiếng nhờ các sản phẩm hàng trang sức, thờ cúng, mỹ nghệ và kim hoàn từ bạc tinh xảo, cầu kỳ. Được hình thành từ cuối đời Trần, Hồ, cho tới nay Đồng Xâm đã có hơn 600 năm tuổi. Nghề chạm bạc ở nơi đây phát triển mạnh nhất vào nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với sản phẩm được xuất đi các nước Anh, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Triều Tiên, Lào… Thời Pháp thuộc, thợ Đồng Xâm còn được Chính phủ bảo hộ mời sang Paris dự hội chợ triển lãm và dạy nghề. Sự phát triển mạnh mẽ này bị chững lại vào những năm 1945 - 1955 và rơi vào giai đoạn khó khăn đỉnh điểm giai đoạn từ 1957 đến 1963. Tuy vậy, nhờ vào lòng yêu nghề và quyết tâm gìn giữ truyền thống của những người dân nơi đây, chạm bạc Đồng Xâm vẫn được bảo tồn cho tới tận bây giờ.


(Sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm)

Làng Nguyên Xá nằm ở trung tâm huyện Đông Hưng, cách thành phố Thái Bình 10km. Nguyên Xá (hay còn được gọi là làng Nguyễn) được biết đến với hai đặc sản nổi tiếng là bánh Cáy và múa Rối nước. Trong quá khứ, Nguyên Xá đã từng là vùng đất có bề dày văn hóa đáng nể với các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng gần xa như nghề lụa, nghề gốm. Song cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có bánh Cáy và Rối nước là vẫn được bảo tồn. Những năm 80 của thế kỷ XX, múa rối làng Nguyễn còn được cùng với đoàn múa rối toàn quốc tham gia biểu diễn tại các nước Pháp, Ý và Cộng hòa liên bang Đức, đưa tên tuổi môn nghệ thuật cổ truyền tỏa sáng vượt biên giới. 


(Bánh Cáy)

Cả Đồng Xâm và Nguyên Xá đều được xác định là có nền tảng phát triển du lịch nông thôn, nhưng cho tới nay vẫn đang dừng lại ở định hướng. Mặt khác, du lịch nông thôn nếu không có sự quy hoạch và tố chức đúng đắn cũng sẽ đem đến cho địa phương nơi phát triển du lịch những hậu quả không nhỏ. Tham gia đưa du lịch trở thành một phần đời sống của người nông dân vốn quen với việc quanh năm chân lấm tay bùn sẽ phát sinh các thay đổi cả về xã hội lẫn môi trường.
 

“Bình minh”-  Vũ Ngọc Thiện, Kiến Xương, Thái Bình
 

Trước tiên là vấn đề khó cân bằng giữa mùa vụ nông nghiệp và du lịch, dẫn tới xung đột về nguồn nhân lực, thậm chí ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế. Với các làng nghề, địa phương cũng phải đối mặt với việc làm sao vừa khiến cho du khách hài lòng với trải nghiệm tự tay chế tác sản phẩm, lại vừa phải bảo đảm bí mật truyền nghề, cũng như không để thương mại hóa các giá trị vật chất lẫn tinh thần quý báu. Nếu không thận trọng, việc phát triển du lịch không phù hợp còn phá hủy chính các đặc trưng tự nhiên ban đầu của địa phương hấp dẫn du khách, làm ảnh hưởng đến lợi ích xã hội lâu dài, nhất là khi Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp còn nhiều hạn chế về kinh tế. Vì vậy, việc cân nhắc các cơ chế đầu tư trở thành một bài toán khó đối với các nhà quản lý.

 

Có thể nói, con đường phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch nông thôn nói riêng ở Thái Bình là một quá trình còn dài với nhiều khó khăn ở phía trước. Nhưng cũng không phải vì thế mà phủ nhận những giá trị đầy tiềm năng của mảnh đất đồng bằng ven biển này. Trong xu thế “công nghiệp không khói”  đi đầu cùng với tư duy sáng tạo dám nghĩ dám làm của người dân Thái Bình, hy vọng tương lai không xa, Thái Bình có thể trở thành một lựa chọn đầy thu hút với du khách cả trong và ngoài nước với hình ảnh là một điểm đến lưu giữ trọn vẹn nhất những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: www.sovhttdl.thaibinh.gov.vn

Cùng chuyên mục