Nhìn ra thế giới

Chiang Mai (Thái Lan) – Điểm đến hấp dẫn

Cập nhật: 17/12/2014 09:01:39
Số lần đọc: 2982
Không giống sự hiện đại và náo nhiệt phố thị như Bangkok, Chiang Mai trầm mặc với nếp sống yên bình và văn hóa đặc trưng được lưu giữ qua hàng trăm năm nay.

Chiang Mai cách Bangkok 700 km về hướng bắc và là đô thị quan trọng ở Thái Lan. Tỉnh Chiang Mai trải rộng trên diện tích 20.000km2 và nằm bên bờ sông Ping - một trong bốn chi lưu chính của sông Chao Phraya.

Người dân nước chùa vàng thường gọi nơi đây là "đóa hồng phương Bắc" nhờ vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng của những thung lũng màu mỡ, ruộng lúa bát ngát đan xen cùng các ngọn đồi uốn lượn.

Chiang Mai từng là kinh đô của vương quốc Lanna, sau khi được vua Mengrai thành lập tỉnh vào năm 1296. Trải qua hàng trăm năm phát triển, nơi đây hiện vẫn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như giữ gìn tiếng địa phương, phong tục và cách nấu nướng của người dân bản địa.

Phần lớn người Chiang Mai sử dụng tiếng Kham Muang (ngôn ngữ Lanna hay tiếng xứ bắc Thái) làm ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày song song cùng tiếng Thái phổ thông được giảng dạy trong nhà trường.

Các khu làng ở đây vẫn giữ trọn vẹn nét truyền thống với trang phục bộ lạc sặc sỡ. Sinh hoạt người dân cũng chưa bị cuộc sống hiện đại ảnh hưởng. Du khách còn có thể tìm thấy các vị trí lý tưởng để trải nghiệm cảm giác mạo hiểm như cưỡi voi, đi bè hay xe hai cầu giữa phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Chiang Mai vẫn duy trì truyền thống làm thủ công nhiều mặt hàng như lụa, gỗ, bạc, gốm với giá cả phải chăng.

Những ai yêu thích việc tìm hiểu tôn giáo và những lịch sử về vùng đất cổ kính cũng sẽ cảm thấy bị mê hoặc khi ở Chiang Mai. Nơi đây có tới 300 ngôi đền, chùa, trong đó Wat Chiang Mai lâu đời nhất và được mệnh danh là "nền tảng của thành phố" do chính vua Mengrai xây dựng làm nơi trú ngụ vào năm 1296.

Doi Suthep cũng là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhất ở đây với tuổi đời 600 năm. Theo truyền thuyết, xác của một vị cao tăng Phật giáo được buộc trên lưng voi trắng thả tự do đi lại. Chú voi tiến về phía sườn núi ở rừng đông, sau đó leo tới đỉnh đồi Doi Suthep và tắt thở. Vị trí này chính là nơi xây dựng ngôi chùa linh thiêng ngày nay./.

Nguồn: dulich.vnexpress.net

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT