Non nước Việt Nam

Thăm điểm du lịch tâm linh ở TX Quảng Yên, Quảng Ninh

Cập nhật: 22/12/2014 10:02:01
Số lần đọc: 2789
Trong 3 tuyến, với 11 điểm du lịch của TX Quảng Yên mới được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh công bố gần đây, đền thờ Trần Hưng Đạo và Miếu Vua Bà là hai điểm nằm ở khu vực trung tâm của thị xã. Đây là hai di tích văn hoá lịch sử mà du khách khi đến Quảng Yên không nên bỏ qua...


Đền thờ Trần Hưng Đạo

Đền thờ Trần Hưng Đạo và Miếu Vua Bà đều thuộc phường Yên Giang (TX Quảng Yên). Ngôi đền có khuôn viên khá rộng, sân đền đủ chỗ cho hơn nghìn người họp mặt. Năm 1988, đền Trần Hưng Đạo được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Tương truyền rằng, khi Trần Hưng Đạo tới xem xét địa hình vùng này để chuẩn bị cho trận chiến Bạch Đằng, đến gò đất Trung Bản, ông bị xổ tóc nên dừng lại cắm kiếm xuống đất, búi lại tóc. Nơi Trần Hưng Đạo đứng nay là ngôi đền thờ ông.

Đền thờ Trần Hưng Đạo được xây dựng ở nhiều nơi trong nước, nhưng ngôi đền này mang một ý nghĩa khác hơn, bởi đền toạ lạc trên đồi đất bên bờ sông Bạch Đằng, nơi diễn ra trận Đại thắng năm 1288 mà những cọc gỗ dưới đầm Yên Giang là một minh chứng. Ngôi đền được xây dựng kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” (J), gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Hiện vật quý còn giữ lại trong đền là một số câu đối ca tụng công lao của Trần Hưng Đạo, một bộ kiệu bát cống được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo và bốn đạo sắc của các vua triều Nguyễn phong cho các chủ nhân đền Trần Hưng Đạo.

Nằm ngay sát Đền Trần Hưng Đạo là Miếu Vua Bà. Miếu cũng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia cùng dịp với đền thờ Trần Hưng Đạo. Miếu được xây dựng từ thời Trần, trên doi đất cổ, cạnh bến đò cũ ngày xưa và đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Đây là một trong số di tích nằm trong quần thể di tích Bãi cọc Bạch Đằng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc và đình Trung Bản, những dấu ấn của Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử 1288.

Cũng như Đền thờ Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà gắn với một truyền thuyết, rằng trong khi đi thị sát địa hình chuẩn bị bãi cọc ngầm chống giặc, Trần Hưng Đạo khi qua bến đò đã trò chuyện với một bà cụ bán hàng nước. Cụ đã kể cho ông về quy luật lên xuống của nước triều, về con nước, địa thế lòng sông ở đây, từ đó đã gợi cho ông cách đánh giặc bằng bãi cọc... Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo đã quay lại bến đò tìm bà cụ bán nước thì không thấy nữa, ông bèn xin nhà vua phong bà là “Vua Bà” và lập đền thờ tại đây.

Lễ hội Miếu Vua Bà cùng diễn ra vào ngày 8-3 âm lịch, trùng với lễ hội Đền Trần Hưng Đạo.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT