Hệ thống rừng phòng hộ núi Hem, thác Mây ở Phú Thọ: Điểm du lịch sinh thái mới hấp dẫn
Thác Mây đẹp hiền hòa và nồng nàn như những người con gái Mườn, Dao của vùng sơn cước
Thác Mây nằm trên đỉnh núi Hem với độ cao hơn 1000 m. Muốn vào thác Mây phải vượt qua một đoạn dốc cao gần như dựng đứng mà người dân ở Hương Cần vẫn nói vui với nhau rằng đó là “cổng trời”. Thêm vào đó, con đường để tới thác quanh co uốn lượn tạo sức hút đặc biệt với những du khách ưa khám phá. Hành trình tới Thác Mây là một thử thách không hề nhỏ, nếu không có những đam mê thôi thúc và sự nỗ lực thì rất có thể bạn sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Trên những lối mòn dẫn tới ngọn thác, đôi khi du khách phải gập người chui qua những đoạn rễ cây giăng như mạng nhện hay lách qua những tán cây cối um tùm mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. Tuy nhiên, mỗi lần nghỉ chân, dừng lại và hướng tầm nhìn ra xung quanh, ta sẽ được sống trong những không gian hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng của núi rừng hoang sơ, hít thở mùi thơm thoang thoảng của những loài hoa dại, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bông hoa chuối rừng đỏ tươi và nếu may mắn, du khách cũng có thể mục sở thị cá Cóc Sần - loại động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo vệ khẩn cấp của Việt Nam và thế giới. Cả cánh rừng như một bức tranh sinh động với nhiều âm thanh và sắc màu hấp dẫn khiến ta có cảm giác như đang lạc vào cõi mơ.
Sau nửa ngày vượt rừng, trèo núi, những công sức của du khách sẽ được đền đáp xứng đáng khi Thác Mây hiện ra với vẻ đẹp tinh khôi và gần gũi. Nếu ai chưa từng đến Thác Mây ắt hẳn không thể hình dung được Thác Mây trong lành và thơ mộng đến nhường nào. Không có gì là nói quá khi nhiều người đã từng đến đây ví Thác Mây đẹp tựa một nàng công chúa ngủ trong rừng bởi vẻ đẹp lung linh, tự nhiên do tạo hóa ưu ái ban tặng. Những ngọn thác cao, nước đổ xuống tạo ra những bọt nước trắng xóa như mây, có lẽ tên thác Mây được bắt nguồn từ đó. Hương Cần có 13 thác nước lớn nhỏ, trong đó thác Mây là đẹp hơn cả. Thác cao nhất có tên gọi là thác Thượng với nhiều cột nước cao khoảng 200m chảy thẳng xuống những khối đá đen khổng lồ, chen nhau tạo nên dòng chảy nhiều tầng, nhiều bậc. Ngoài ra, thác Thượng, thác Tiên Sa, thác Khọm Viếng… cũng có nhiều nét độc đáo rất riêng, đẹp mượt mà và kiêu hãnh giữa núi rừng.
Hệ thống rừng phòng hộ Núi Hem với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, kết hợp với cảnh quan hoang sơ của thác nước là một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch
Được thiên nhiên ưu đãi với không gian khoáng đạt, xen lẫn những thác nước lớn nhỏ là những khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ đường kính lớn tới hai, ba người ôm. Rừng phòng hộ ở Hương Cần có diện tích trên 1000 ha, trong đó riêng khu vực suối Hem có diện tích khoảng 800 ha. Với ưu thế về môi trường, khí hậu, thảm thực vật, suối, thác, đặc biệt là hệ thống rừng phòng hộ với hệ động, thực vật phong phú, cảnh quan thác nước hoang sơ cùng nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên khác thì hệ thống rừng phòng hộ núi Hem - thác Mây thực sự có một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng, tâm linh…Bên cạnh đó bản tính chân chất, thật thà, mến khách của đồng bào dân tộc ở Hương Cần khiến mỗi du khách đến đây khi ra về đều ấn tượng, bịn rịn chẳng muốn rời.