Để dân ca xứ Nghệ thành sản phẩm du lịch
Một buổi luyện tập của CLB Dân ca phường Trung Đô (TP.Vinh).
Ảnh: Từ Hoa Lam
CLB Dân ca phường Trung Đô được thành lập đầu năm 2014, thu hút 50 hội viên tham gia, nhiều tuổi nhất là cụ Hồ Xuân Hùng (75 tuổi), ít tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Anh Thảo, sinh năm 1981 hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Trung Đô. Mỗi tháng CLB tổ chức sinh hoạt một lần tại Nhà Văn hóa phường, ngoài ôn luyện, tập dượt những làn điệu dân ca mới, tổ chức sáng tác tự biên, tự diễn, còn giúp cho hội viên gần gũi với nhau hơn, động viên nhau vượt qua những buồn vui trong cuộc sống. Điều đáng ghi nhận ở CLB Dân ca phường Trung Đô là tuy mới thành lập, nhưng trong các hội diễn, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen do thành phố tổ chức, CLB luôn dẫn đầu. Tuy nhiên, ngoài khó khăn về kinh phí, cái mà CLB cần là việc truyền dạy các làn điệu dân ca cổ; tập huấn cách sáng tác các làn điệu mới; được cung cấp những tập sách nhạc, những đĩa VCD về Dân ca xứ Nghệ.
Trăn trở của bà Bích Tuyển cũng là trăn trở chung của các CLB dân ca trên địa bàn Thành phố Vinh. CLB Dân ca phường Vinh Tân được thành lập tháng 4/2010, đến nay đã thu hút hơn 100 hội viên tham gia. Từ ngày thành lập đến nay, CLB không chỉ phục vụ các sự kiện của phường mà còn tham gia biểu diễn các chương trình do thành phố và tỉnh tổ chức và đạt thành tích cao. Ngoài ra, CLB còn thường xuyên sưu tầm, sáng tác, xây dựng các chương trình gắn với phát huy truyền thống của quê hương như các điệu hát ru, hát xẩm, hát đồng dao, hát sắc bùa, hát cầu đồng, tế lễ, hát báo ân, ngâm thơ, lẩy Kiều, hát ca trù.
Các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được tập luyện dàn dựng thường xuyên phục vụ các chương trình, các ngày lễ lớn do phường, thành phố tổ chức. Những lời ca, tiếng hát của CLB đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu mỗi khi phường có sự kiện diễn ra. Tuy nhiên, CLB hiện đang hoạt động mang tính chất thời vụ, việc sáng tác làn điệu mới gặp nhiều khó khăn do đội ngũ sáng tác không nhiều. CLB rất cần được bổ sung kiến thức, bổ sung thêm những làn điệu mới, làn điệu cổ, có như vậy các buổi sinh hoạt mới phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn lớp trẻ cùng tham gia.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Trung tâm VH-TT&DL Thành phố Vinh cho biết: Những năm gần đây, Trung tâm đã hướng dẫn cụ thể các phường, xã trên địa bàn thành phố thành lập các CLB dân ca ví, giặm với mong muốn đó sẽ là nơi giao lưu, gặp gỡ của những hội viên yêu dân ca, cũng là nơi để lớp người đi trước truyền dạy cho thế hệ trẻ những câu hát dân ca mộc mạc, thân thương, hồn cốt của người dân xứ Nghệ. Bên cạnh đưa dân ca vào trường học thì việc duy trì sinh hoạt các CLB dân ca đang là hướng đi có tính lâu dài, bền vững nhất để bảo tồn, phát huy dân ca trong cộng đồng dân cư. Thời gian tới, Trung tâm VHTT thành phố sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB; Tổ chức định kỳ mời các nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ về truyền dạy các làn điệu dân ca, đồng thời cấp phát đĩa VCD về dân ca cho các CLB.
Hiện trên địa bàn thành phố có 2 lễ hội chính trong năm: Lễ hội Đền Hồng Sơn và Lễ hội Đền Quang Trung. Để làm phong phú hơn các hoạt động phần lễ, trong năm 2015, chúng tôi sẽ tổ chức giao lưu hát dân ca ví, giặm giữa các CLB trên địa bàn thành phố với một số CLB dân ca của huyện Nam Đàn, Thị xã Cửa Lò – đây có thể coi là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động liên kết du lịch 3 vùng Nam Đàn – TP. Vinh – Thị xã Cửa Lò. Ngoài ra, tại các điểm di tích như đền Hồng Sơn, đền Quang Trung, chúng tôi sẽ thành lập đội biểu diễn dân ca ví, giặm phục vụ khách du lịch khi khách có nhu cầu.