Quả hồng – Món quà hấp dẫn khi du lịch Đà Lạt
Ở hầu hết các điểm tham quan du lịch Đà Lạt đều bán đặc sản nơi này, trong đó không thể thiếu trái hồng (đến mùa) hoặc chế phẩm của nó. Mùa hồng kéo dài từ khoảng đầu tháng 8 đến tháng 11 dương lịch. Trái hồng theo chân du khách tỏa về mọi miền đất nước, ra cả nước ngoài.
Ở vùng đất phía nam này, hồng chỉ trồng được ở TP.Đà Lạt và vùng phụ cận như xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương; nhiều nhất là ở phường 3 - TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), ngay dưới chân đèo Prenn. Mùa hồng đến, không chỉ các điểm du lịch, chợ Đà Lạt, dọc đường đèo Prenn và ngay dưới chân đèo, du khách dễ dàng bắt gặp cảnh các bà, các mẹ, các chị bày bán trái hồng của vườn nhà thu hoạch được. Giữa khung cảnh đồi núi, rừng thông một màu xanh ngát; trời giăng sương mờ ảo lẫn trong những cơn mưa phùn những gian hàng bán trái hồng xanh, vàng, đỏ được người bán hàng khéo léo xếp như những mâm xôi, trông thật lãng mạn và đẹp mắt. Loại quả xinh xắn đó đi tới đâu cũng mang theo cái quyến rũ của vùng đất đỏ bazan, của núi rừng Đà Lạt.
Hồng được trồng nhiều ở chân đèo Prenn, khu vực Cầu Đất - Xuân Trường (TP.Đà Lạt) và xã Hiệp An. Có khi đó là một vườn hồng nhỏ, có nơi hồng được trồng rải rác, xen kẽ trong các vườn cây ăn trái, vườn cà phê. Tại TP.Đà Lạt và huyện Đức Trọng có trên 400ha hồng, mỗi năm thu hoạch chừng 15.000 tấn. Trái hồng có hai loại: hồng giòn và hồng chát. Hồng giòn lại gồm hồng trứng (trái nhỏ, hình bầu dục giống như trái trứng gà) và loại hình dẹt, trái to cỡ nắm tay. Hồng giòn thường được hái khi trái vừa đủ độ già trên cây, đem về ủ với nước vôi; trái vẫn giữ nguyên màu xanh hoặc vàng - xanh, ăn vừa giòn vừa ngọt. Tuy nhiên, công đoạn này đòi hỏi người làm hồng phải có kinh nghiệm và khéo léo mới có những trái hồng đẹp mắt, thơm ngọt. Bằng không, trái sẽ sậm màu, trông không đẹp mắt, ăn cũng không ngon. Loại hồng giòn dễ vận chuyển đi xa mà không sợ bị chín, nát như với trái hồng chín. Hồng chát trái to cũng cỡ cả nắm tay, để trái tự chín cây hoặc ủ trái chín mới ăn được. Nếu ăn sống như hồng giòn sẽ rất chát. Hồng chín cây, trái tròn xoe, đỏ mọng như trái cà chua, trông rất hấp dẫn. Nhiều gia đình cẩn thận, khi thu hoạch hồng chín, họ nhẹ nhàng hái từng trái, gói trong giấy rồi mới đặt vào rổ, kẻo không hồng sẽ bể nát. Với hồng chín, phải thật nâng niu. Hồng chín có thể ăn ngay hoặc dầm với đá, để tủ lạnh, ngon, ngọt miễn chê.
Hồng thuộc nhóm trái cây giàu dinh dưỡng, rất tốt cho cơ thể. Không những vậy, thịt trái hồng, phấn hồng, vỏ hồng đều là những vị thuốc, có thể chữa được nhiều bệnh như: chữa nấc, viêm ruột, kiết lị, lở môi, lưỡi, dị ứng da... Từ lâu, trái hồng đã trở thành vị quen thuộc trong các bài thuốc Đông y. Từ trái hồng, có thể tạo ra ba loại nguyên liệu, được chế biến thành: mứt, rượu hồng, hồng khô (đóng hộp hay bán theo ký). Đến Đà Lạt vào mùa hồng, du khách sẽ được thưởng thức những trái hồng tươi chính vụ ngon tuyệt./.