Thị xã Quảng Yên khai thác, kết nối các tuyến, điểm du lịch
Du khách tham quan đền Trần Hưng Đạo (phường Yên Giang, TX Quảng Yên).
Thị xã Quảng Yên hiện còn bảo lưu hơn 200 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Bạch Đằng), 38 di tích quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Trên địa bàn thị xã, nhiều lễ hội lớn mang bản sắc văn hoá truyền thống vẫn được bảo tồn và phát triển, như: Lễ hội Tiên công (mùng 6, 7 tháng Giêng), lễ hội Cầu ngư (tháng Giêng), lễ hội Xuống đồng (tháng 6 âm lịch)..., cùng với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp đã trở thành một lợi thế lớn giúp Quảng Yên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua thị xã đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, các đơn vị lữ hành nghiên cứu, xây dựng đưa vào hoạt động, khai thác các tuyến, điểm phục vụ khách du lịch. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 3 tuyến (trung tâm TX Quảng Yên; trung tâm TX Quảng Yên - đảo Hà Nam; trung tâm Thị xã Quảng Yên - phường Đông Mai, Minh Thành) và 11 điểm du lịch chính thức được công nhận (di tích lịch sử Bạch Đằng; Bảo tàng Bạch Đằng; hai cây Lim giếng Rừng; đình Phong Cốc; nhà thờ họ Lê; đình, chùa Yên Đông; đình Yên Giang; miếu Tiên Công; Thác Mơ; làng nghề truyền thống Hưng Học; chợ Rừng). Theo đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên: Việc các tuyến, điểm du lịch trên được công nhận sẽ là cơ sở pháp lý, khoa học quan trọng để thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch tới tham quan. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp thị xã tiếp tục có những chỉ đạo phát triển du lịch đồng bộ, hệ thống; khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương…
Thực tế thời gian qua, thị xã đã đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp lữ hành đưa vào khai thác hiệu quả một số các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn. Đơn cử, thị xã phối hợp với Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist thiết lập tuyến du lịch đầu tiên trên địa bàn thị xã. Đây là tuyến du lịch gồm 10 điểm tham quan, tiêu biểu như Bảo tàng Bạch Đằng, toà nhà Công sứ Pháp, cây lim ở giếng Rừng, đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bãi cọc Bạch Đằng, làng nghề Hưng Học, chèo đò trên sông Cửa Đình… Tuyến du lịch được đưa vào hoạt động đã tạo phong phú, chuyên nghiệp hơn các sản phẩm du lịch, góp phần thu hút đông đảo du khách quốc tế đến với Quảng Yên. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch khác trên địa bàn thị xã vẫn còn mang tính sơ khai, các điểm tham quan còn chưa gắn kết, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch.
Để từng bước khai thác và đưa vào hoạt động hiệu quả các tuyến, điểm du lịch, thời gian qua, thị xã đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, như: Hỗ trợ giải phóng mặt bằng; cấp đất, cho thuê đất, hỗ trợ về thủ tục hành chính; hỗ trợ các hộ gia đình làng nghề vay vốn mở rộng sản xuất; hỗ trợ ngư dân sửa chữa, cải hoán, đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản kết hợp dịch vụ đưa đón khách du lịch… Thời gian tới, thị xã có hướng muốn mở rộng, vươn tới thị trường khách nội địa bằng cách tích cực liên kết với một số doanh nghiệp lữ hành.
Cùng với việc làm tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, thị xã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ du lịch. Cụ thể: Thị xã đã thông qua Quy hoạch chi tiết và các dự án thành phần khu trung tâm di tích Bạch Đằng; dự kiến kinh phí xây dựng 445 tỷ đồng. Đầu tư, tôn tạo di tích đình Yên Giang, kinh phí trên 19 tỷ đồng. Điểm tham quan đình Phong Cốc được đầu tư xây dựng các điểm bán hàng lưu niệm, bãi đỗ xe, nâng cấp bến thuỷ nội địa, mở rộng đường giao thông quanh đình Cốc. Lập quy hoạch bảo tồn và tôn tạo với các hạng mục khuôn viên cây xanh, hồ nước, khu nhà trưng bày trình diễn… của di tích miếu Tiên Công v.v.. Đặc biệt, một trong những hướng phát triển quan trọng của du lịch Quảng Yên là kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn thị xã với các tuyến du lịch ở Đông Triều, Uông Bí, tạo thành một không gian du lịch văn hoá tâm linh với các điểm du lịch nổi tiếng của 3 địa phương là khu di tích nhà Trần (Đông Triều), khu di tích Yên Tử (Uông Bí) và khu di tích Bạch Đằng (Quảng Yên)./.