Ðầu tư Du lịch

Thừa Thiên-Huế đầu tư 150 tỷ đồng trùng tu 22 công trình di tích

Cập nhật: 15/01/2015 09:30:29
Số lần đọc: 4058
Ngày 14/1, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã ra quân triển khai công tác trùng tu nhằm phát huy giá trị di tích trong việc đón khách du lịch.

Năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phấn đấu đón đạt từ 3,1-3,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt từ 1,1-1,3 triệu lượt; doanh thu từ vé tham quan đạt 170-175 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Trung tâm triển khai trùng tu 22 công trình di tích trong năm 2015, với tổng nguồn vốn đầu tư 150 tỷ đồng, bao gồm dự án tu bổ, phục hồi Phu Văn Lâu, Nhật Thành Lâu; các dự án tôn tạo hệ thống kinh thành Huế (hợp phần bảo tồn, tu bổ di tích); tu bổ phục hồi lăng Tự Đức; bảo tồn thích nghi vườn Thiệu Phương (hạng mục Vạn Tự hồi lang, Cẩm Xuân đường, Nhi Liên đường, Vình Xuân hiên, Hàm Xuân hiên).

Một số công trình được đầu tư chuyển tiếp là Ngọ Môn; Tả-Hữu Tùng viện (lăng vua Thiệu Trị); lăng Tự Đức, Triệu Tổ miếu, lầu Tàng Thơ...

Năm 2014, triển khai thực hiện "Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020" theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đầu tư trùng tu 17 công trình di tích, với tổng nguồn vốn thực hiện là 105,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình về Di sản văn hóa Huế; hàng chục tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng; sưu tầm nghiên cứu và dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu như Trình tường tập khánh, Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, Bát Dật...; dàn dựng hai vở tuồng cung đình cổ và 25 trích đoạn tuồng phục vụ cho lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật...

Đến nay, một số công trình tiêu biểu ở di tích Cố đô Huế đã và đang được trùng tu góp phần phát huy giá trị di tích trong việc đón khách du lịch gồm Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc (khu vực đàn chính), tổng thể lăng Gia Long, Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi đình, Hiển Đức Môn (lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, Bửu thành và Bửu đỉnh Khiêm lăng (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải định), Chùa Thiên Mụ, Cung An Định, 10 cổng Kinh Thành...

Năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đạt doanh thu từ vé tham quan hơn 139 tỷ đồng, đạt 111, 2% kế hoạch cả năm; trong đó, nguồn thu từ dịch vụ đạt 18 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2013./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT