Ðầu tư Du lịch

Khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết theo hình thức BOT

Cập nhật: 19/01/2015 14:11:43
Số lần đọc: 3533
Ngày 18/1, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đầu tiên trong cả nước. 


Sân bay Phan Thiết có tổng diện tích trong hai giai đoạn xây dựng là 543ha, có chức năng phục vụ bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn…

Giai đoạn một - từ nay đến năm 2020, dự án sẽ được xây dựng trên diện tích 360ha, với một đường cất cánh dài 2.400m, một ga hành khách khoảng 5.000m2, công suất 300 hành khách/giờ cao điểm, tương đương với 5.000 khách mỗi năm và 10.000 tấn hàng hóa/năm. Trong giai đoạn định hướng đến năm 2030, ước tính đạt 1 triệu lượt khách và khoảng 50.000 tấn hàng hóa/năm. 

Với chi phí đầu tư ước tính khoảng 5.600 tỷ đồng, Sân bay Phan Thiết sẽ là sân bay lưỡng dụng, kết hợp phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng và sẽ là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp một. Đến năm 2020, sân bay sẽ khai thác máy bay ATR 72, F70 và tương đương. Định hướng đến năm 2030 sẽ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Sân bay Phan Thiết có ý nghĩa đặt biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Việc đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết được thực hiện theo hình thức BOT. Đây cũng là sân bay đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình này; phù hợp với kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công của cả nước và là bước đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải và hàng không.

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực, quyết tâm của các bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư và tỉnh Bình Thuận trong việc hoàn thành khởi công sân bay Phan Thiết. Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành liên quan đảm bảo tiến độ xây dựng và hoàn thành sân bay theo đúng thời hạn đã đề ra.

Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, cho biết Bình Thuận có vị trí địa lý thuận lợi, có điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu sân bay và đường giao thông không thuận lợi đã phần nào hạn chế sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Khi sân bay Phan Thiết hoàn thành sẽ là điều kiện để Bình Thuận tạo bước đột phá về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. giao thông thuận lợi sẽ tạo điều kiện các nhà đầu tư cũng như du khách đến Phan Thiết nhiều hơn.

Theo đánh giá, khi đưa vào sử dụng, sân bay Phan Thiết sẽ nối các chuyến bay từ Phan Thiết đi Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Đà Nẵng... Hành khách đến Phan Thiết chỉ trong khoản thời gian ngắn thay vì phải mất nhiều thời gian đi bằng đường bộ như hiện nay. 

Dự kiến, sân bay Phan Thiết sẽ hoàn thành vào năm 2017./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT