Ngày 20/1 Huế miễn phí đón khách tham quan Cung An Định
Cổng chính cung An Định. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Không gian trưng bày gồm hai chủ đề là “Nơi ở của bà Hoàng Thái Hậu và gia đình vua Bảo Đại trong giai đoạn 1945-1955”, với gần 100 hiện vật gốc, tái hiện không gian sinh hoạt của gia đình vua Bảo Đại.
Việc trưng bày mang tính ước lệ, dựa trên lời kể của một số nhân chứng từng là người hầu cận của gia đình nhà vua được sinh sống tại đây, giúp người xem có cái nhìn khái quát về cuộc đời của vị vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
Chủ đề thứ hai là “Một số hình ảnh về vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương”, với hơn 40 hình ảnh và gần 30 tài liệu sách báo về vị vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân.
Nằm bên bờ sông An Cựu, Cung An Định mang dấu ấn đậm nét của sự kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc Đông, Tây trong lịch sử mỹ thuật Huế cũng như của Việt Nam.
Đặc biệt hơn, di tích này còn gắn với đời sống, sinh hoạt của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, vị vua và gia đình hoàng tộc cuối cùng của triều Nguyễn. Năm 1945, sau khi thoái vị, vua Bảo Đại cùng mẹ là bà Từ Cung và vợ là bà Nam Phương cùng các con rời Hoàng Thành đến sinh sống tại đây.
Trải qua thời gian, Cung An Định xuống cấp trầm trọng. Năm 2003, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đã tài trợ để phục chế lại sáu bức tranh tường quý hiếm ở nội thất tiền sảnh Khải Tường Lâu.
Từ năm 2005 đến năm 2007, việc phục chế tranh tường tại nội thất tầng một và tầng hai được tiến hành cẩn trọng, trả lại phần nào vẻ đẹp toàn mỹ của di sản, công trình kiến trúc độc đáo của triều đình Nguyễn, được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20./.