Non nước Việt Nam

Truyền thuyết hùng tráng về đình Đạm Xuyên ở Vĩnh Phúc

Cập nhật: 23/01/2015 09:21:01
Số lần đọc: 3070
Tọa lạc ở xã Tiền Châu thị xã Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc, đình làng Đạm Xuyên không những là nơi giao lưu gặp gỡ của dân làng mà còn là nơi chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử cũng như tín ngưỡng của dân làng nơi đây. Đình thờ 3 vị thần là: Cao Bi Hùng Thánh Đại Vương; Dương Uy Phấn Vũ Đại Vương và Thuỷ tinh Thần nữ công chúa. Ngày 14 tháng 3 năm 2003 Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 15/2003/QĐ-BVHTT công nhận đình làng Đạm Xuyên được là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

 

Tương truyền Vua Hùng thứ 17 là Duệ Vương sinh được 20 người con trai, trong số đó có một người con tên là Cao Bi thông minh từ nhỏ, lớn lên văn võ toàn tài, đức độ trọn vẹn, từng có nhiều công giúp vua cha trị vì đất nước. Nhân một lần đi kinh lý có ghé qua vùng đất xứ Mông Tràng, về sau đổi thành Đạm Xuyên như bây giờ. Nhân thấy vùng đất này có thế “long hổ đồng chầu”, có dòng sông chảy lượn vòng bao bọc xung quanh, xa xa là dãy núi Tam Đảo trùng điệp, thực là chốn “sơn thuỷ hữu tình”; lại thấy người dân nơi đây cần cù chất phác, có nhiều phong tục tập quán thuần hậu, Hoàng tử Cao Bi bèn xin phép vua cha cho mình được về sống ở nơi đây để dạy dân chăm chút nghề nông, xây dựng vùng đất này thành nơi an bình, trù phú. Không may, vị hoàng tử đã sớm qua đời khi mới 26 tuổi. Dân làng Đạm Xuyên vô cùng thương tiếc đã dâng lên nhà Vua bản sớ xin được mai táng và thờ tự hoàng tử tại chỗ, tôn ngài làm thành hoàng của làng, lấy hiệu là Cao Bi Hùng Thánh Đại Vương.

 

Cũng vào thời đó, nước ta bị quân Thục đem quân sang xâm lấn. Hùng Duệ Vương tập hợp binh mã chia làm hai đạo quân ra nghênh chiến. Đạo trên bộ do Tản Viên Sơn Thánh chỉ huy, còn thuỷ quân do tướng Dương Uy thống lĩnh. Đêm trước ngày xuất trận, ông tướng nằm mộng thấy một nữ thần hiện về tự xưng là công chúa Thuỷ tinh theo lệnh cha là vua Thuỷ Tề đến đây trợ giúp tướng quân giết giặc. Quả nhiên hôm sau khi xung trận, quân Thục bị thua to phải tháo chạy về nước. Tướng quân Dương Uy cho hạ trại ở đất thuộc làng Đạm Xuyên để khao quân và sai dân làng lập đền thờ Công chúa Thuỷ tinh và tôn là Thần Nữ. Khi tướng Dương Uy qua đời, nhân dân trong vùng cũng xin được thờ phụng và phong là Phấn Vũ Đại Vương. Cả ba vị đều được thờ phụng ở trong đình.

 

Diện tích đình Đạm Xuyên rộng 220m2 trên một khu đất rộng khoảng 1.000m2, nhìn hướng về Tây Nam gồm 3 phần đại đình, hậu cung và hậu tế tạo thành hình chữ “Công”; đây là lối kiến trúc đình, chùa rất phổ biến ở nước ta thời xưa. Đình được xây bằng loại gạch vuông cổ, mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao đình được tạo dáng rồng cuốn. Hệ thống cửa bức bàn có chấn song con tiện nhằm tăng sự thoáng mát cho ngôi đình. Tòa Đại đình (tiền tế) có 5 gian, tòa hậu tế có 3 gian, tòa hậu cung có 2 gian. Tất cả các cột và vì kèo đều được làm bằng gỗ lim rất chắc chắn. Phần chạm trổ trên gỗ của đình rất công phu và tinh xảo, lấy đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng). Nổi bật là nét chạm ở 4 cổn theo kiểu chạm lộng tạo dáng rồng cuốn, nét chạm mềm mại, uyển chuyển, lột tả cái thần của con rồng đang cuộn mình bay lên. Một số nét chạm ở các bức thuận hoặc đầu kèo là cảnh “sư tử vờn cầu”, “tùng lộc mai điểu” hết sức sinh động, bay bổng. Hiện đình làng Đạm Xuyên còn giữ được 3 cỗ ngai thờ (1 ngai bà, 2 ngai ông) đều được sơn son thếp vàng; trong tòa đại đình còn lại 3 câu đối có niên đại hàng trăm năm. Đình còn có 2 cỗ kiệu bát cống, một cỗ có niên đại thời Lê và một cỗ thời Minh Mạng. Hiện vật bằng đá còn lưu giữ được là một tấm bia lập vào năm Tự Đức (1870). Ngoài bản thần tích còn có 8 đạo sắc phong hầu hết vào thời Nguyễn (1810- 1924).

 

Người dân Đạm Xuyên rất tự hào với ngôi đình làng cả về giá trị lịch sử và giá trị văn hoá, kiến trúc. Chính vì vậy dù trải qua rất nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhiều cuộc chiến tranh, giặc giã, bom đạn nhưng ngôi đình cùng các hiện vật trong đó vẫn được người dân giữ gìn, bảo tồn chu đáo. Cùng với những cố gắng trong phát triển kinh tế, thực hiện tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phấn đấu xây dựng làng văn hoá trong nhiều năm qua, dân làng Đạm Xuyên đã góp nhiều công sức, tiền của vào việc bảo vệ, tu tạo, nâng cấp ngôi đình.

 

Với lợi thế là có vị trí địa lý rất thuận lợi gần với thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông thuận tiện, đình làng Đạm Xuyên là nơi có thể kết hợp được nhiều tuyến điểm du lịch tâm linh từ Hà Nội lên Vĩnh Phúc trên cung đường đến với Phật về với Mẫu.
Nguồn: Trung tâm TTXTDL Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT