Non nước Việt Nam

Rộn rã tiếng cồng chiêng Xí Thoại ở Phú Yên

Cập nhật: 30/01/2015 10:34:21
Số lần đọc: 1552
Thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), có rất nhiều “đặc sản” văn hóa của người dân tộc Ba Na. Một trong số đó là đội cồng chiêng được tổ chức bài bản, đủ khả năng thu hút khách vào không khí lễ hội của người dân nơi đây.

Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại biểu diễn trong sự kiện văn hóa của huyện Đồng Xuân - Ảnh: N.HUY

 

Chúng tôi về Xí Thoại vào thời điểm các cán bộ Phòng VH-TT huyện Đồng Xuân đang tất bật chuẩn bị cho sự kiện quảng bá du lịch cộng đồng năm 2015. Trong rất nhiều chương trình, điều làm nhiều người thích thú nhất có lẽ là hình ảnh rộn rã mà đội cồng chiêng mang lại.

 

Nét đẹp văn hóa

Khi ngọn lửa của lễ hội tại Nhà văn hóa Xí Thoại nổi lên, cũng là lúc các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi người dân tộc Ba Na chìm vào những giai điệu rộn rã của tiếng cồng tiếng chiêng. Dưới sự dẫn dắt của “nhạc trưởng” Bùi Văn Hiệp, những nhạc công trẻ tuổi thi nhau thể hiện. Những trống đôi, cồng ba, chiêng năm, lục lạc, xập xẻng hòa quyện vào nhau để tạo thành những âm thanh đặc sắc, khiến những đôi chân phải nhún nhảy theo những nhịp điệu của núi rừng. Cùng với những nghệ nhân múa xoan trong trang phục truyền thống được chuẩn bị khá công phu, vòng tròn lễ hội được tạo ra. Đó cũng là lúc những người Ba Na đưa du khách cùng hướng về nguồn cội của văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc mình.

 

Điểm đáng ghi nhận của đội cồng chiêng thôn Xí Thoại là mỗi thành viên đều cố gắng thể hiện tốt để truyền tải nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với nhiều người. Trong từng động tác biểu diễn, họ thể hiện sự ngẫu hứng và vô tư như tính cách của mình.

 

Ông Lê Thế Vịnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH-TT-DL cho biết: “Đội cồng chiêng của thôn Xí Thoại được tổ chức và biểu diễn khá chuyên nghiệp. Từ trang phục, đạo cụ cho đến trình độ diễn viên đều được đầu tư bài bản, đặc biệt là các nghệ nhân chơi trống đôi. Ngoài việc phục vụ những ngày lễ truyền thống, đội còn đạt nhiều giải thưởng ở các ngày hội văn hóa cấp huyện, tỉnh và toàn quốc. Thông qua những lần biểu diễn như vậy, nét đẹp văn hóa của người Ba Na được nhiều người biết đến. Ngoài ra, với những đạo cụ truyền thống, đội cồng chiêng thôn Xí Thoại còn có thể chơi được nhạc cách mạng theo tiết tấu hiện đại. Đây là điều không phải đội cồng chiêng nào cũng có thể làm được”.

 

Giá trị kết nối

Anh Bùi Văn Hiệp tâm sự: “Tuổi đời của các thành viên trong đội cồng chiêng thôn Xí Thoại còn khá trẻ. Tôi và nhiều nghệ nhân khác trong đội cồng chiêng thôn Xí Thoại lớn lên trong những nhịp điệu rộn rã của cồng chiêng truyền thống. Vậy nên, các thành viên trong đội ý thức được trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn bản sắc của cha ông. Chúng tôi đến với cồng chiêng theo cách rất vô tư và không đặt nặng vấn đề vật chất. Sau những giờ lên rẫy, trồng củ sắn, cây mía, nuôi con bò, chúng tôi lại tập hợp lại để tập luyện, chuẩn bị cho các ngày hội lớn”.

 

Ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân, cho biết: “Hiện nay, huyện Đồng Xuân có hai đội cồng chiêng của người dân tộc Chăm H’roi (thôn Hà Rai) và dân tộc Ba Na (thôn Xí Thoại). Ngoài việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa thì sự chuyên nghiệp của các đội cồng chiêng đóng vai trò thu hút khách du lịch về với buôn làng trong thời gian tới”.

 

Chúng tôi rời vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa núi rừng, khi ngọn lửa của lễ hội dần tan vào màn đêm. Hình ảnh say sưa biểu diễn của các nghệ nhân đội cồng chiêng thôn Xí Thoại như in vào tâm trí những người lần đầu đặt chân đến đây.
Nguồn: www.baophuyen.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT