Động Hương Thảo (Yên Bái) – Điểm đến hấp dẫn
Hương Thảo tự có ba động: Động Chào hạ (Đền Hạ) là một động thiên tạo trong lòng núi rộng chừng vài trăm mét vuông, có khu ngoài và khu trong. Khu ngoài là nhập môn (cửa vào) nơi để nghỉ ngơi, sửa sang lễ vật. Đi sâu vào khu trong, ta bắt gặp một thủy cung mê lộ. Có bàn thờ thập bát long chầu (Mười tám vị thần dưới nước) có cung thờ vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu và có cả tượng chàng Trọng Thủy buồn rầu đi tìm vợ…tất cả đều do thiên tạo.
Đi lên lưng chừng núi là động Chùa Trung (Đền Trung) trước cửa động là các chuông bằng đá lớn buông xuống, gõ vào âm vang như trống đồng. Vào trong động với những khu rộng bằng phẳng, vòm động cao chừng mươi, mười lăm mét buông xuống muôn vàn nhũ đá với nhiều hình, nhiều dạng. Các tinh thể đá ánh lên như muôn vì sao. Ở đây có nhiều hình tượng bằng nhũ đá như: Nàng vọng phu, hang tâm tình, thánh gióng cưỡi ngựa…Ngoài ra còn có hàng chục hình tượng: Sư tử, voi, trâu thần bằng đá khổng lồ huyền ảo. Ở góc cao của động có đường lên trời là một hốc đá lộ thiên buông ánh sáng huyền ảo xuống động.
Rời đền Trung leo dốc chừng mươi phút là tới động chùa Thượng (Đền Thượng). Đây là một tập đoàn hang động với độ sâu và dài chưa ai đi hết. Chốn này là nơi bồng lai tiên cảnh được gắn vào các sự tích lịch sử như: Đền bà Âu Cơ đẻ trăm trứng, động bầu sữa mẹ Âu Cơ, Cung thái mẫu Vua Hùng Vương thứ 6, động Sơn Tinh, Thủy tinh giao chiến. Đặc biệt khu động đền thờ Hai bà Trưng rộng chừng 300 mét vuông được thiên tạo như thật: Trước mắt là hai con voi trắng khổng lồ có vòi, tai với những cái chân to hơn voi thật. Đầu voi có hình người người cưỡi ở tư thế lao về phía trước. Dưới chân voi, có hồ thần nông được thiên tạo be bờ uốn lượn nghệ thuật. Hồ rộng chừng 2 mét vuông sâu khoảng 20cm nước trong vắt. Dưới hồ là những tràn ruộng bậc thang nhỏ xíu người ta gọi là những cánh đồng thần nông. Cạnh đó là giếng tiên không bao giờ cạn nước và dòng suối nhỏ chảy nhẹ vào khe đá. Đặc biệt, phía cuối động có hồ giải oan rộng chừng hơn 1 mét vuông. Cách mặt nước chừng 30cm có hình một con đại bàng giang cánh ủ rũ. Ở giữa động có một gò đá nổi lên như hòn non bộ cao chừng 2 mét có nhiều tượng bằng nhũ đá, bát hương tự nhiên. Đó là vọng thiên đài (Đài cầu trời). Nhìn lại vòm động bắt gặp khoảng trời mây trắng lảng bảng bay. Du khách đến đây có thể dừng chân thắp hương cầu lộc, cầu tài, cầu sự bình an hạnh phúc.
Còn thời gian, du khách có thể lưu lại thăm hang Hùm (Tân Lập), nơi các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương voi ma mút, ghé thăm hang chùa nước Tân Lập. Đây là ngôi chùa được đặt trong hang núi có niên đại thời Trần từ thế kỷ 13 – 14, gặp các di vật thờ cúng như bệ thờ bằng đất nung với nhiều hình hoa văn hình hoa sen, tiên nữ, sư tử, chim thần…và du khách cũng hiểu thêm về nữ tướng Vũ Thị Ngọc Anh khi đến với Đình Bến Lăn, Thành Bắc Phu hay Pù Khau Quân (Đồi Khao Quân)…Để hiểu về văn hóa và cuộc sống con người vùng cao Lục Yên bạn có thể làm một chuyến du lịch sinh thái lên xã vùng cao Khai Trung, nơi được mệnh danh là bình nguyên xanh, gặp những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn để thưởng ngoạn cảnh vật hữu tình cùng hương vị ẩm thực bản địa. Về thị trấn Yên Thế thăm chợ đá quí, chiêm ngưỡng sự tài hoa của các nghệ nhân tạo nên những bức tranh nghệ thuật đá quí lung linh sắc màu và tham dự hội chọi trâu đầu xuân. Cùng với việc khám phá những điều bí ẩn trầm tích trong lòng đất, du khách còn có thể đến với khu du kích Cổ Văn ở xã Mường Lai, vùng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp một thời oanh liệt, hay lên xã vùng cao Khánh Thiện thăm nơi ra đời Trung đoàn 165 anh hùng, đã được Bác Hồ khen tặng: “ Trung đoàn Thành đồng biên giới”.
Đến với Lục Yên còn là đến với môi trường thiên nhiên trong lành và môi trường văn hóa giàu bản sắc các dân tộc, với những điệu dân vũ và hát xướng “Khảm hải” của người Tày, hát giao duyên của người Nùng, với lễ thức “cấp sắc” rất độc đáo của người Dao…
Với lòng hiếu khách, với cơ chế cởi mở, Lục Yên luôn là nơi chào đón du khách và các tổ chức, cá nhân đến với Lục Yên, góp tài lực cùng Lục Yên tô thêm cảnh non xanh, nước biếc và thưởng ngoạn bức tranh non nước Lục Yên Châu thơ mộng, xứng với vùng quê: “Lục Yên, đất ngọc danh truyền./.