Thanh Hóa xây dựng Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Trần Hưng Đạo
Ảnh: Internet
Việc khởi công xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần không chỉ tôn vinh vị tướng văn, võ song toàn triều Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, mà còn góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa mà cha ông để lại, giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông.
Cũng trong đêm 4, rạng sáng 5/3 (tức đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng), Ban quản lý Di tích lịch sử - Văn hóa Đền thờ Đức thánh Trần (xã Hà Dương) sẽ tổ chức lễ Khai ấn, Phát ấn Đền Trần năm 2015. Năm nay, Ban tổ chức khai ấn Đền Trần xã Hà Dương chuẩn bị khoảng 4.000 chiếc ấn để phát miễn phí cho du khách.
Tại làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung hiện nay vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn Đền thờ Đức thánh Trần. Toàn bộ kiến trúc của ngôi đền là kiến trúc Nguyễn.
Ngôi đền đã được trùng tu hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 3 (1850). Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, vào tháng 3/1285, để bảo toàn lực lượng và né tránh sự bao vây, tấn công của giặc Nguyên- Mông, Trần Hưng Đạo - vị tướng lĩnh tài ba đã trực tiếp đưa hai vua Trần theo đường Thần Phù - sông Hoạt đến vùng Thổ Khối nương náu một cách an toàn.
Sau khi củng cố lực lượng, tháng 5/1285, Trần Hưng Đạo quyết định tiến quân ra bắc một cách bất ngờ và phối hợp cùng với các đạo quân khác làm nên các chiến thắng vang dội như Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết để cuối cùng quét sạch giặc Nguyên- Mông ra khỏi bờ cõi nước ta.
Để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người dân làng Thổ Khối đã lập đền thờ ông. Hàng năm đây là nơi thu hút rất đông khách hành hương từ các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Đây là ngôi Đền thờ Trần Hưng Đạo lớn nhất ở Thanh Hóa còn giữ được nhiều di vật, hiện vật cổ. Với ý nghĩa và giá trị của di tích, từ năm 1996 Di tích Đền thờ Trần Hưng Đạo đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia./.