Ðầu tư Du lịch

Đồng Văn (Hà Giang) đổi mới cách phục vụ tại các điểm di tích

Cập nhật: 06/03/2015 08:15:06
Số lần đọc: 6019
Trong năm 2014, huyện Đồng Văn đón lưu lượng khách du lịch ngày càng tăng, chính vì vậy ngành VH,TT&DL huyện đã chủ động tổ chức đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Theo Giám đốc Trung tâm VH,TT&DL huyện, Tải Đình Tinh cho biết: “Lượng khách du lịch đến Đồng Văn trong năm qua đã tăng lên đáng kể, đạt mức 129.768 lượt người, tập trung chủ yếu vào các ngày nghỉ lễ: Ngày Quốc tế Lao động (1/5); Lễ hội khèn Mông huyện Đồng Văn lần thứ II, ngày Quốc khánh 2/9; mùa hoa Tam giác mạch... Chỉ tính riêng doanh thu bán vé tại các điểm di tích là hơn 2 tỷ đồng. Nhìn chung chất lượng các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ và các dịch vụ phụ trợ đều được nâng cao về số lượng và chất lượng, đáp ứng hầu hết nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, Trung tâm đã chủ động sắp xếp lại quầy trưng bày và sưu tầm bổ sung thêm một số sản phẩm đặc trưng của địa phương ở các điểm di tích để giới thiệu tới du khách. Tăng cường làm tốt công tác phục vụ, đón và hướng dẫn khách tham quan, bảo vệ, vệ sinh khu vực tham quan. Đội Nghệ nhân dân gian tại trung tâm huyện đã phục vụ được trên 105 đoàn khách du lịch”.

 

Theo đó, tại các điểm di tích trọng điểm như cà phê Phố cổ, huyện đã tiến hành đầu tư sửa chữa, trang trí, làm khu trưng bày sản phẩm lưu niệm, đặc sản địa phương. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức các loại đồ uống trong không gian lịch sử lâu đời, nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử của các ngôi nhà cổ với phong cách phục vụ khá chuyên nghiệp. Nếu đến đây vào tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần, khách hàng còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian và giao lưu ca hát với đội văn nghệ do chính Trung tâm VH,TT&DL huyện duy trì; tạo thêm chỗ vui chơi cho khách tham quan ngoài các dịch vụ ăn, nghỉ... Tương tự như vậy, công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng được đẩy mạnh tại các điểm như Di tích Nhà Vương ở xã Sà Phìn và Cột cờ Lũng Cú. Nhờ có sự vận động của Trung tâm VH,TT&DL huyện, bà con quanh vùng di tích đã biết cách tìm kiếm và bán các sản phẩm của địa phương như bánh Tam giác mạch, ngô, khoai, mật ong... Khách đến tham quan các điểm di tích trên vào bất cứ thời điểm nào trong ngày đều được phục vụ đồ ăn, uống, không còn tình trạng khan hiếm như trước kia nữa. Đặc biệt, việc xúc tiến sản phẩm địa phương tại Cột cờ Lũng Cú khá mạnh. Do đây là địa điểm có nhiều khách tham quan nên chuỗi dịch vụ phát triển tốt hơn, có Nhà nghỉ cực Bắc phục vụ ăn uống và nhiều hàng quán nhỏ của người dân địa phương. Ngoài ra, Trung tâm VH,TT&DL huyện còn vận động bà con mang các sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm của người Lô Lô đến dệt trực tiếp cho khách xem và một số sản phẩm khác là khèn Mông, đá chạm khắc... được nhiều khách hàng ưa chuộng.

 

Nắm bắt nhu cầu thưởng thức của du khách về bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương, trong năm qua ngành Văn hóa huyện đã tổ chức nhiều lễ hội độc đáo như: Lễ hội Gầu Tào ở xã Sà Phìn, Sủng Là vào đầu Xuân thu hút rất đông du khách thập phương; Lễ hội chọi dê ở xã Ma Lé; Lễ hội Khèn Mông vào Ngày Quốc khánh 2.9... Quảng bá rộng rãi hình ảnh hoa Tam giác mạch thu hút được lượng khách tăng đột biến vào tháng 10 – 11 năm 2014. Đây là một trong những nhân tố quan trọng làm tăng lượng khách đến với Đồng Văn và thúc đẩy các loại kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích.

 

Nhờ chủ động đổi mới phương thức phục vụ, kinh doanh tại các điểm di tích đã làm tăng lượng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương lên đáng kể. Từ đó, tạo thêm công việc và thu nhập cho người dân. Tiếp nối những thành công, năm 2015 ngành Văn hóa huyện sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu cho du khách biết đến Đồng Văn nhiều hơn nữa./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT