Kỳ vỹ ruộng bậc thang Philippines
Trải dài 20.000km2 và dao động ở độ cao từ 700 - 1.500m trên mực nước biển, ruộng bậc thang là một trong những địa danh đáng ghi nhận của du khách trên thế giới. Chúng được tìm thấy tại Abra, Ifugao, Kalinga - Apayao, Benguet và vùng đồi núi. Mật độ dân cư địa phương trong khu vực này chỉ khoảng 100 - 250/km2.
Ngược dòng lịch sử
Ruộng bậc thang là di tích duy nhất có từ 2.000 năm nay tại Philippines không chịu ảnh hưởng của nền văn hóa thực dân. Lịch sử của nó gắn liền với văn hóa và những phong tục tập quán truyền thống dân tộc.
Nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ ruộng bậc thang hầu như không thay đổi theo thời gian, và người ta vẫn sử dụng chúng cho đến ngày hôm nay. Các bậc thang được cắt tỉa khéo léo là minh chứng cho tinh thần kiên trì, nhẫn nại của người Philippines.
Công trình của thiên nhiên và con người
Lối thiết kế của ruộng rất độc đáo và công phu. Đầu tiên, các hòn đá dùng để đánh dấu được đặt trên một dốc cong và trũng cùng với sỏi đập nát làm điểm tựa, phải đặt vào những đường cắt trong dốc núi tự nhiên để tránh bị trượt ngã.
Độ cao của bậc thang tăng theo tiến trình khô của đá được thêm vào. Sau cùng, khi đá đạt đến độ cao dưới 1m, người ta đắp thêm đất nén. Trung bình, mỗi bậc thang cao khoảng 2m nhưng cũng có thể cao đến 6m. Ngoài ra, người ta còn xây dựng thêm đường dẫn nước ngầm dưới đất.
Một phần tạo nên tính thẩm mỹ của ruộng bậc thang là chúng đi theo các đường viền của núi giống như nằm trên một tấm mền. Nhiều khu rừng xung quanh, gọi là muyong, cũng có độ cao gần với đỉnh núi trên ruộng. Tương tự các ruộng bậc thang, chúng được chăm sóc cẩn thận theo truyền thống cổ xưa của các bộ lạc, tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh để cung cấp nước cho mỗi bậc thang của ruộng. Một con suối trong vắt nằm dưới đáy thung lũng là đường thoát nước thông qua một hệ thống phức tạp gồm các kênh đào, ống tre và đường cống.
Lối sống truyền thống
Các thôn hoặc làng nơi đây được kết nối theo từng phần riêng của ruộng bậc thang, chủ yếu theo hình thái gia đình đơn lẻ. Chỗ ở phản ánh cách sống của dân làng xung quanh ngọn núi. Nhiều ngôi nhà bằng gỗ được bao phủ bởi những mái hình dốc giống như hình kim tự tháp. Đôi khi, một gia đình đơn lẻ còn chia thành nhóm nhỏ gắn kết với ruộng lúa linh thiêng - trung tâm ngôi làng của họ. Dân làng thường chạm khắc những tượng thần bằng gỗ để trong kho thóc, gọi là bui - oi, và một chỗ dành cho các vật dụng khi có nghi lễ cúng tế linh thiêng của công việc đồng áng.
Ngọn đồi linh thiêng, nơi tổ chức nghi lễ truyền thống, được đánh dấu bởi khu vực trồng cây trầu xung quanh nơi ở của những người đàn ông thần thánh, gọi là mumbaki - họ có nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ truyền thống của làng.
Không có gì ngạc nhiên khi đi bộ đường dài là hoạt động phổ biến thu hút du khách mỗi lần đến đây. Xuôi theo triền dốc, màu xanh mơn mởn của các ruộng lúa khiến du khách muốn dừng chân ngắm nhìn không biết chán. Vào mùa hè và thu có nhiều mưa, đôi khi xuất hiện mây bên sườn dốc. Ngược lại, mùa đông có thể thuận tiện cho tham quan ngắm cảnh. Đến tháng 6 hàng năm là mùa gặt hái. Lúc này, khắp cánh đồng giống như bức tranh màu vàng rực rỡ trong nắng và sinh hoạt cũng nhộn nhịp hẳn lên./.