Du lịch qua vùng đất cách mạng
Điểm đến du lịch
Hơn 3 năm trở lại đây, bà Lê Thị Bé (thôn 7, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) có thêm một nghề mới là đưa khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu bằng thuyền, một công việc vừa nhẹ nhàng lại dễ có thu nhập. Cứ mỗi chuyến ghe đưa 2 khách đi quanh rừng dừa, bà Bé được trả 100 nghìn đồng, số tiền tuy không lớn nhưng rất ý nghĩa với người dân vùng sông nước, nhất là những phụ nữ lớn tuổi như bà. Niềm vui của bà Bé và những phụ nữ tham gia chở khách nơi đây chính là được tiếp xúc, giới thiệu với du khách về mảnh đất và con người Cẩm Thanh, về rừng dừa Bảy Mẫu cùng những dấu tích, chiến công của các thế hệ cách mạng trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. “Hồi chống thực dân Pháp, mặc dù địch nhiều lần đưa quân đến càn quét với ý đồ san bằng căn cứ rừng dừa nhưng chúng đã không làm gì được, ngược lại còn bị quân ta đánh tiêu diệt gây tổn thất nặng nề” - bà Bé kể. Bước sang thời kỳ chống Mỹ xâm lược, rừng dừa Bảy Mẫu lại một lần nữa được sử dụng làm căn cứ địa kháng chiến. Đã có nhiều giai thoại gắn liền với địa danh này được người dân truyền tụng với lòng tự hào sâu sắc như việc dùng súng bẹ dừa nghi binh đánh giặc khiến kẻ thù hoang mang - một minh chứng cho sự sáng tạo, trí thông minh của quân và dân ta trong việc lợi dụng địa hình, địa vật để xây dựng căn cứ địa cách mạng chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. “Bây giờ chở khách đi tham quan rừng dừa tôi vẫn hay kể lại những câu chuyện ngày xưa đánh giặc bằng bẹ dừa, ai nghe cũng kinh ngạc, thán phục về trí thông minh của người dân mình” - bà Bé nói.
Du lịch rừng dừa Bảy Mẫu giúp những phụ nữ lớn tuổi như bà Bé có thêm nghề mới. |
Cũng như rừng dừa Cẩm Thanh, cách đó không xa, một điểm đến du lịch không kém phần hấp dẫn khiến du khách nước ngoài thích thú đó là làng du lịch cộng đồng, sinh thái Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên). Du khách đến đây không chỉ được trải nghiệm các giá trị văn hóa, tham quan những ngành nghề truyền thống như dệt chiếu, đan lưới, chằm dừa… mà còn được dạo chơi trên những con đường quê yên ả nằm dưới rặng chè tàu, hàng cau hay chèo thúng khám phá rừng dừa nước, bắt còng bắt cua giữa một khung cảnh làng quê thanh bình… Để có một không gian thơ mộng như hôm nay, mấy du khách biết rằng trong chiến tranh Trà Nhiêu từng là vùng đất trắng đầy chết chóc, nơi giặc thực hiện chính sách lùng sục khủng bố, dồn dân lập ấp. Chiến tranh đi qua, toàn thôn có 103 liệt sĩ, gần 30 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng những đám ruộng, mảnh vườn, ngôi nhà tan hoang, đổ nát. Vài năm trở lại đây, kể từ khi Trà Nhiêu làm du lịch đã có nhiều công ty lữ hành đưa khách đến tham quan. Dù lợi ích từ du lịch mang lại cho người dân chưa nhiều nhưng không thể phủ nhận nhờ du lịch, diện mạo làng quê đã có nhiều thay đổi. Rõ nét nhất là cơ sở hạ tầng thôn xóm được đầu tư xây dựng khang trang cùng hệ thống cầu cống, đường sá sạch sẽ, kiên cố giúp đời sống người dân khá lên. “Ở đây đất đai thiếu thốn, cằn cỗi nên chỉ có phát triển du lịch mới hy vọng thay đổi cuộc sống người dân mau chóng được” - ông Trần Duy Năm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Duy Vinh chia sẻ.
Du khách nước ngoài tham quan điểm di tích sân bay Đức Dục, Duy Xuyên. |
Hướng đi mới…
Có thể nhận thấy, phát triển du lịch tại những vùng đất một thời là căn cứ cách mạng đã trở thành hướng quan tâm của nhiều địa phương trong tỉnh. Thông qua du lịch, những làng quê từng chịu nhiều đau thương mất mát đã được hồi sinh. Không ít sản phẩm du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm, tìm về chiến trường xưa… khiến cuộc hành trình của du khách càng thêm ý nghĩa, giúp họ chiêm nghiệm và hiểu hơn về một giai đoạn khốc liệt nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam. “Nhiều khách nước ngoài là cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam nói với tôi rằng họ muốn đến Mỹ Sơn chỉ để chụp những tấm hình về hố bom bên các tháp Chăm, hay lên đường Trường Sơn sống lại với ký ức chiến tranh để về nói với con cháu mình rằng mọi cuộc chiến không bao giờ là điều tốt đẹp cả” - ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà tâm sự.
Du lịch khám phá địa đạo Kỳ Anh. |
Thực tế, thời gian qua đã có nhiều đoàn khách tự tìm đến các di tích lịch sử, cách mạng hay các vùng căn cứ ngày xưa chỉ để chiêm nghiệm về một quá khứ chưa xa. Người dân sống xung quanh các địa danh như sân bay Đức Dục (Duy Tân, Duy Xuyên), đồi Bồ Bồ (Điện Tiến, Điện Bàn), Khu ủy khu V (Hiệp Đức), đường mòn Hồ Chí Minh (Nam Giang), Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa (Bắc Trà My)… đã không còn xa lạ với những du khách trong và ngoài nước. Một số nơi trong tỉnh cũng đã bắt đầu tiến hành các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng điểm đến địa phương dựa trên những di tích lịch sử cách mạng của mình như địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ), tượng đài chiến thắng Núi Thành, địa đạo Phú An - Phú Xuân (Đại Lộc)… Theo ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, các di tích lịch sử cách mạng luôn có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch mỗi vùng miền, vì đó không chỉ là nơi tưởng niệm, tri ân các bậc tiền bối và những người ngã xuống cho độc lập dân tộc mà thông qua hoạt động du lịch sẽ góp phần phát huy giá trị điểm đến, giáo dục truyền thống cách mạng cho một bộ phận nhân dân, nhất là các thế hệ thanh niên về một giai đoạn khốc liệt nhưng cũng đầy tự hào của quê hương, đất nước. “Xây dựng sản phẩm du lịch hoài niệm, tìm về chiến trường xưa dù kén khách nhưng không thể không thực hiện vì bản thân mỗi di tích luôn chứa đựng trong đó những câu chuyện về một giai đoạn lịch sử cần được thế hệ hôm nay tìm hiểu, chiêm nghiệm. Đặc biệt, thông qua du lịch cũng sẽ góp phần tạo ra sinh kế cho người dân, giúp họ nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là hồi sinh những vùng đất từng một thời bị chiến tranh tàn phá” - ông Cường chia sẻ.
Có thể khẳng định, du lịch qua những vùng đất cách mạng là hướng đi đúng nhằm không chỉ giúp du khách tìm về quá khứ mà còn để cảm nhận sức sống của bao làng quê xứ Quảng - nơi những rặng dừa xanh đã tốt tươi trên các hố bom và những con người hiền hòa chất phác, bước ra từ đau thương mất mát vẫy tay chào khách với nụ cười thân thiện./.