Tham quan cụm di tích đình, chùa, đền Quan Lạn, Quảng Ninh
Nằm ngay trước mặt bến Đình, nơi diễn ra lễ hội Quan Lạn (hội đua bơi thuyền) được tổ chức vào tháng 6 âm lịch hàng năm, cụm di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, đình, chùa, đền Quan Lạn được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1990.
Cụm di tích này được xây dựng liền kề, nối tiếp nhau trên một dải đất tại xã Quan Lạn, Vân Đồn. Mỗi công trình kiến trúc nơi đây đều mang những dấu ấn riêng. Điểm đầu tiên mà du khách đặt chân đến đó là đình Quan Lạn. Ngôi đình hiện tại được xây dựng vào những năm 1890-1900, gồm một bái đường nối với hậu cung. Trên nóc đình có hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao uốn cong. Bên trong đình được trang trí chủ yếu là hình tượng rồng, phượng và hoa lá được chạm khắc tỉ mỉ và rất độc đáo tạo thành bức tranh nghệ thuật hoành tráng. Đình còn cất giữ được 18 sắc phong từ đời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841) đến đời Bảo Đại. Cũng như nhiều ngôi đình khác ở làng quê Việt Nam, đình Quan Lạn thờ thành hoàng làng, các vị tiên công có công quai đê lập ấp dựng làng, sau đó phối thờ tướng Trần Khánh Dư - người có công lớn trong trận đánh thuyền lương giặc Nguyên Mông và gắn bó với vùng đảo này. Đình Quan Lạn còn thờ cả Dương Không Lộ và “Tứ vị Thánh nương” là những vị thần được truyền tụng thường che chở cho những người đi biển.
Liền kề ngay đình Quan Lạn là chùa Quan Lạn, chùa có lối kiến trúc giản dị với 3 gian, phía sau nhô ra một hậu cung. Ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường và hậu cung. Chùa Quan Lạn thờ phật và bà chúa Liễu Hạnh. Trong chùa còn có tượng cụ Hậu, một người dân địa phương có nhiều công sức đóng góp xây dựng chùa. Bức tượng là một bà cụ già Việt Nam tươi tắn, hiền hoà, chất phác đã tạo nên nét độc đáo của ngôi chùa.
Ngay cạnh chùa Quan Lạn là miếu, nghè Quan Lạn thờ ba anh em họ Phạm gồm Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng. Theo bia đá tại đây khắc ghi, ba vị tướng này là người Quan Lạn. Ba tướng đã lập công lớn trong ba lần chống giặc Nguyên Mông (1258-1285-1288). Trong ba lần đó, phải kể đến lần thứ 3 vào tháng 1/1288, dưới sự chỉ huy tài tình của Nhân Huệ Vương, Trần Khánh Dư, ba vị tướng cùng với quân dân Vân Đồn đã tiêu diệt trên 100 chiến thuyền và hơn 70 hộc lương cùng khí giới của triều đình nhà Nguyên do tướng Nguyên là Trương Văn Hổ chỉ huy tại dòng sông Mang, xã Quan Lạn, Vân Đồn, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử tháng 4/1288. Đền này được xây dựng lên để tưởng nhớ công lao to lớn của ba vị tướng tài năng, ba nhà quân sự sắc bén của Vân Đồn, đã từng gắn bó vào sinh ra tử để trấn giữ nơi cửa biển tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc.
Cách hệ thống chùa Quan Lạn khoảng 1,5km là đền thờ Trần Khánh Dư, một vị danh tướng nhà Trần đã có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Năm 2010, ngôi đền này đã được trùng tu, tôn tạo lại, là điểm di tích lịch sử nằm trong cụm di tích quốc gia tại xã Quan Lạn.
Nếu có dịp đến Quan Lạn, du khách hãy ghé tham quan cụm di tích này để hiểu thêm về ý nghĩa, bề dày lịch sử, bản sắc văn hoá độc đáo của con người và vùng đất Quan Lạn, Vân Đồn./.