Hành trang lữ khách

Khu du lịch Bà Rá Thác Mơ (Bình Phước) – Điểm đến thú vị

Cập nhật: 30/03/2015 13:57:36
Số lần đọc: 5146
Nằm ở phường Thác Mơ, Thị Xã Phước Long, tỉnh Bình Phước cách Thành Phố Hồ Chí Minh 180km, cách thị Xã Đồng Xoài 50km. Núi Bà Rá có độ cao 723m so với mặt nước biển, chiếm tổng diện tích 1.054ha, đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 20/4/1995.

Ngọn núi này được đồng bào Stiêng thành kính gọi là Pnom Brah”, có nghĩa là “Núi Thần”. Họ kể lại rằng xưa kia vùng đất nơi ngọn núi bây giờ là một mạch nước ngầm phun nước liên tục và làm ngập lụt cả một vùng rộng lớn. Một vị thần đã dùng một cái nắp để úp lên mạch nước này. Cái nắp dùng để bịt kín mạch nước ngầm cứu dân làng này là núi Bà Rá bây giờ.

 

 Ngọn núi có chiều cao đường bộ từ chân núi lên đến đỉnh là 7,2km. Từ đồi Bằng Lăng du khách vượt qua 1.767 bậc tam cấp là tới đỉnh. Dọc đường lên núi, hai bên là rừng trúc xen kẽ với lồ ồ, bằng lăng, sao, dầu lông và cây bụi như mua, sim, trâm ổi. Dây leo bò bao phủ, chằng chịt khắp nơi. Thỉnh thoảng có tiếng chim chìa vôi, họa mi, chích chòe lảnh lót, ríu rít chen với tiếng cu rừng vọng phía triền núi xa tạo thành bản hòa tấu giữa đại ngàn. Càng lên cao không khí càng mát mẻ, trong lành.

Đến đỉnh du khách tự do phóng tầm mắt tham quan bao quát cả một khu vực rộng lớn xung quanh với hồ Thác Mơ rộng 12.000ha vừa cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực vừa tạo ra một nguồn điện thắp sáng hòa vào điện lưới quốc gia với nhà máy Thủy điện Thác Mơ. Giữa lòng hồ mênh mông có gần 10 hòn đảo nhỏ với diện tích các đảo trên 200 ha. Nơi đây thích hợp việc du thuyền buông lưới, thả câu và sau đó thưởng thức món cá lăng, cá chình vừa được câu lên gợi cho du khách thấy sự phóng khoáng giàu chất con người Nam Bộ.

Trên đỉnh có một miếu thờ Bà với nhiều câu chuyện về sự linh thiêng nên rất thu hút khách tham quan. Trên đỉnh còn có ngọn ăng ten của Đài Phát thanh truyền hình Bình Phước, cao 48m.

Trong chiến tranh quân đội Mỹ, xây dựng trên đỉnh Bà Rá căn cứ quân sự rất hiện đại, có cả sân bay trực thăng mà dấu tích bây giờ vẫn còn, để kiểm soát toàn bộ vùng miền Đông Nam bộ nhưng quân ta vẫn bí mật xây dựng những cứ điểm xung quanh núi để đánh phá địch.

Hoặc bạn có thể lên núi nhanh chóng, tiện lợi hơn chỉ trong vòng 15 phút là tới đỉnh với bằng hệ thống cáp treo có chiều dài 2.063m, bao gồm 32 cabin, mỗi cabin có 6 chổ ngồi với độ cao trụ từ 6m – 30m. Ngồi trên cáp treo bạn có thể thưởng thức cảm giác bay bổng giữa núi rừng, có thể nhìn rõ hơn ngọn cây cổ thụ, và hồ Thủy điện Thác Mơ mênh mông huyền ảo.

Bên sườn Tây núi Bà Rá, có hang dơi, hang cọp hang sâu, rộng có nguồn nước và là nơi ẩn trú của quân, dân ta trong suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, là nơi trú quân và là pháo đài của cách mạng, nhiều cán bộ về đây ở và bám trụ để hoạt động cách mạng . . .

Đến với danh thắng này khách du lịch sẽ có dịp hồi tưởng lại những khó khăn, gian khổ của những người chiến sĩ cách mạng thời chống Pháp và chống Mỹ. Từ đó, thêm trân trọng những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh đi trước để đem lại hoà bình thống nhất đất nước như ngày nay.

Dưới chân núi Bà Rá, năm 1925, thực dân Pháp cho xây một nhà tù lớn để giam cầm các chiến sĩ cộng sản Việt Nam và các tội phạm. Trại tù này có 3 khu: trại A sát chân núi giam giữ tù thường phạm, trại B giam giữ nữ tù nhân thường phạm hoặc chính trị phạm đặt tại trung tâm trại Bà Rá như Bà Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập…. Năm 1941, chúng xây dựng thêm trại C để giam giữ số tù nhân chính trị như Ông Trần Văn Giàu, Tô Ký…. Đây còn là nơi giam hàng trăm tù chính trị bị treo án và khổ sai từ các nhà tù khác chuyển về, phần lớn là những người yêu nước tham gia hoạt động cách mạng. Nỗi thống khổ của những tù nhân Bà Rá không sao kể xiết, đau ốm không có thuốc men lại còn bị đánh đập dã man và lao động khổ sai. Nỗi uất hận của tù nhân ở đây đã nhóm lên ngọn lửa đấu tranh. Nhà tù trở thành giảng đường cho những nhà cách mạng hoạt động, vận động giác ngộ những phạm nhân trở thành những chiến sỹ công sản đi theo con đường đúng đắn của Đảng. Trại tù Bà Rá đã thành lập được một chi bộ cộng sản để lãnh đạo phong trào và tổ chức nhiều cuộc vượt ngục. Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, tù nhân trại Bà Rá đã nổi dậy đập tan xiềng xích, trở về chiến khu, trở về quê hương góp phần giải phóng đất nước.. Nhà tù đã để lại nhiều câu chuyện về sự khó khăn cũng sự tàn bạo của thực dân Pháp đối với tù nhân bị giam giữ tại đây. Hiện nay, nhà tù không còn nữa, vì ngày xưa thực dân Pháp xây dựng nhà tù bằng những vật dụng như tre nứa đơn giản, họ cho rằng tù nhân có vượt ngục thì cũng không thể sống được trong khu rừng núi hiểm trở, heo hút, tù nhân sẽ bị thú dữ ăn thịt.

Gần Nhà tù Bà Rá có miếu Bà Rá. Miếu Bà còn được gọi là Linh Sơn miếu, dân gian tôn gọi Bà là “Bà Rá hộ quốc linh thần”. Theo lời của nhân dân địa phương, năm 1943 miếu được xây dựng để tưởng nhớ các tù chính trị bị chôn sống ở gốc cây cầy, miếu do những tù nhân chính trị ở nhà tù Bà Rá bí mật xây dựng và làm bài vị thờ tượng trưng có ghi 4 chữ Hán “Chúa xứ nương nương” nhằm che mắt bọn tay sai nên đặt tên là miếu Bà để cho bọn thực dân công nhận ngôi miếu này. Năm 1958 một số người dân đã tiến hành dời miếu lên sát đường lộ (cách nơi cũ 500 mét) để bà con tiện đi lại thờ cúng, và cũng từ lúc này Miếu Bà mới có 3 bức tượng thờ. Miếu Bà Rá là một công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian, nằm trong quần thể di tích lịch sử Bà Rá đã được Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, nó không chỉ là nơi thờ cúng tín ngưỡng của nhân dân mà còn là một trong những chứng tích về sự xâm lược của thực dân Pháp trên vùng đất Phước Long..

Hằng năm, vào ngày mùng 1, 2, 3,/3 âm lịch, đông đảo khách thập phương trong và ngoài tỉnh hành hương về đây để dự lễ Vía Bà.

Mồng 1, tiến hành lễ thay y phục, tắm tượng Bà (mộc dục), đến 12 giờ đêm làm lễ rước Bà về. Mồng 2, làm lễ tế Bà khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó để khách hành hương vào làm lễ và xin lộc. Mồng 3, làm lễ tạ Bà vào buổi trưa, kết thúc lễ hội. Cứ 3 năm, miếu tổ chức một lễ hội lớn. Đặc biệt năm đó có tổ chức rước kiệu Bà lên núi, ra thị trấn rồi trở về miếu với trống chiêng, cờ quạt nghiêm trang, đội lân nhịp nhàng điệu múa. 4 giờ 30 chiều viếng nhà bia chiêu hồn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đọc điếu văn tưởng nhớ công ơn người mở đất. Tối, biểu diễn văn nghệ dân gian, hầu Bà..

Ngoài ra, trên đỉnh Bà Rá hiện đang xây dựng Pho tượng mang tên Phật mẫu Chuẩn đề, cao 49 mét, khắc họa hình tuợng Bồ tát 18 tay ngồi trên tòa sen sẽ tạo thêm sự uy nghiêm, linh thiêng cho ngọn núi này. 

 

Đến đây, bạn sẽ đi qua Thác Mẹ, nằm gần nhà thờ Mẹ Vô Nhiễm sát bên khu vực cáp treo Bà Rá. Đứng trên cầu Thác Mẹ, bạn sẽ chứng kiến cảnh dòng nước đỏ đục cuồn cuộn trôi xuống vực cao khoảng 10m.

Hàng năm, vào ngày 6/1 kỷ niệm ngày chiến thắng Phước Long nơi đây còn tổ chức cuộc thi giải việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” đã trở thành giải cấp quốc gia, nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Với một cung đường đua với chiều dài 7,7km hệ nam và 5,4km hệ nữ.

Với sự hấp dẫn của cảnh quan, lý thú với những trải nghiệm thực tế khu du lịch Bà Rá Thác Mơ luôn rộng mở đón chào bước chân du khách đến cắm trại, tham quan nghỉ dưỡng, thăm lại di tích xưa./.

Nguồn: dulichbinhphuoc.gov.vn

Cùng chuyên mục