Thành phố Thanh Hóa – Điểm nhấn của du lịch xứ Thanh
Nằm ngay trung tâm thành phố Thanh Hóa, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn và ý nghĩa của nhân dân tỉnh Thanh. Nơi đây lưu giữ, trưng bày những hiện vật, hình ảnh, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần Người về thăm và làm việc tại Thanh Hóa.
Đây là một công trình văn hóa của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh vừa có ý nghĩa chính trị, tư tưởng; vừa thể hiện tình cảm sâu sắc, tri ân và lòng thành kính đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Bên cạnh đó, Khu tưởng niệm còn là địa chỉ đỏ giáo dục cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về lịch sử dân tộc, về thân thế, sự nghiệp vĩ đại của Người. Nơi đây, luôn mở cửa đón nhân dân cả nước đến tham quan và tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ Tịch, quyết tâm xây dựngmột nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Khu Du lịch Văn hóa Hàm Rồng nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chừng 3 km với diện tích trên 50 ha được bao quanh bởi quần thể các danh lam thắng cảnh như: núi Rồng - sông Mã, làng cổ Đông Sơn, chùa Tăng Phúc, động Tiên Sơn, động Long Quang, đền thờ Trần Khát Chân - Lê Uy, di tích cách mạng Hàm Rồng - Nam Ngạn…
Dạo quanh Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, du khách như lạc vào bức tranh thiên nhiên kỳ thú với núi Hàm Rồng uốn lượn bên dòng sông Mã. Hồ Kim Quy nước trong xanh bốn bề in bóng núi Rồng. Những đồi thông ngút ngàn đan xen thung lũng thơ mộng với dãy núi hình 9 khúc rồng nhấp nhô uốn lượn theo dòng sông Mã. Nơi đây, tách ra khỏi sự sôi động của phố phường còn có làng cổ Đông Sơn lấp lánh trống đồng tỏa sáng tinh thần Việt với cổng làng rêu phong mở vào những nếp nhà ngót trăm năm tuổi.
Khi lên đến đỉnh cao, du khách sẽ cảm nhận được không khí trong lành, khoan khoái ngỡ như đang tận hưởng sự giao hoà giữa đất - trời - sông - núi nơi đây. Phóng tầm mắt ngắm nhìn, du khách sẽ thấy Hàm Rồng như một bảo tàng lịch sử văn hoá đồ sộ. Mỗi ngọn núi, con sông, tấc đất, cây cầu nơi đây đều trở thành một hiện vật sống ghi dấu những chiến công hiển hách của quân dân Hàm Rồng trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để rồi càng thêm tự hào về mảnh đất quê Thanh. Khu du lịch văn hoá Hàm Rồng hôm nay đang viết tiếp trang sử mới trong sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội
Thái miếu nhà Lê được dựng lại trên cơ sở thái miếu tại Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hoá. Sau khi bị hoả hoạn, Thái miếu được chuyển về Thăng Long với tên gọi là điện Hoằng Đức. Đến năm 1805 Thái miếu được nhà Nguyễn dời về làng Kiều Đại, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa với tên gọi khác là đền Lê.
Thái miếu được xây dựng theo phong cách kiến trúc hậu Lê và thời Nguyễn gồm sân điện, hậu cung và tiền đường. Thái miếu là nơi lưu thờ bài vị của 27 vua nhà Hậu Lê (1418 - 1789) gồm 21 vua tại vị, 6 vua được truy phong cùng các bà Hoàng Thái hậu. Nơi đây còn lưu giữ được tượng đồng của Lê Thái Tổ, Lê Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Lai. Đặc biệt, còn có tượng của Thần Tông Hoàng đế cùng năm bà phi quốc tịch khác nhau: Hà Lan, Mường, hai người vợ Chăm và một người quê Kinh Bắc.
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc cổ, khám phá về lịch sử triều Hậu Lê với nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật cao của thế kỷ 17. Đền Lê với không gian đầy hoài niệm về một vương triều có lịch sử 400 năm luôn thu hút du khách gần xa đến dâng hương, tưởng niệm và là điểm du lịch ngày xuân hấp dẫn khi đến với thành phố Thanh Hoá. Lễ hội đền Lê diễn ra từ ngày mùng 5 đến 15 tháng Giêng (ÂL) cầu cho mưa thuần gió hoà, dân làng no ấm.
Quảng trường Lam Sơn được xây dựng năm 2005 là nơi hội tụ, tổ chức các sự kiện chính trị - xã hội, các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, triển lãm, hội chợ của tỉnh. Nơi đây còn là điểm vui chơi, giải trí, thư giãn của giới trẻ và nhân dân thành phố Thanh Hoá.
Quảng trường được thiết kế hiện đại phù hợp với mỹ quan kiến trúc đô thị. Đến đây du khách dễ dàng bị cuốn hút bởi không gian rộng, thoáng mát, sân khấu hoành tráng, hệ thống ánh sáng và đài phun nước muôn màu luôn thu hút và lôi cuốn người xem; vườn hoa, cây cảnh sạch đẹp bố trí hợp lý, sinh động đã tạo nên một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh. Quảng trưởng trở thành chốn quen thuộc, nơi giao lưu văn hóa, xã hội của mọi lứa tuổi, những ngày hè từ các con phố người già, người trẻ, nam thanh nữ tú tập trung đến đây để tận hưởng không khí mát lành, xoá tan những trưa hè oi bức. Còn mùa đông những nhóm thanh thiếu niên vẫn đến Quảng trường để tận hưởng cảm giác tự do, thoáng đạt, quây quần trò chuyện hoặc thể hiện sự sáng tạo của mình qua những bức tranh cát, bức tượng thạch cao…tất cả đã thể hiện sức sống mới của một thành phố trẻ.
Công viên Hồ Thành nằm ngay trung tâm thành phố Thanh Hóa có diện tích 112.785 m², trong đó diện tích mặt nước là 32.180 m². Với không gian thoáng mát, trong lành, cảnh quan thiên nhiên gần gũi con người thì công viên Hồ Thành thực sự là một trong những điểm đến thư giãn, vui chơi giải trí quen thuộc của du khách với nhiều trò chơi cho trẻ nhỏ như du thuyền thiên nga trên hồ, đu quay, tàu hỏa…Bên cạnh đó, Hồ Thành còn được biết đến là điểm thư giãn cuối tuần lý tưởng để du khách thưởng thức ly cà phê, lắng nghe những bản nhạc du dương và ngắm nhìn thành phố Thanh Hóa lung linh sắc màu về đêm./.