Non nước Việt Nam

Độc đáo kiến trúc đình làng Đình Bảng

Cập nhật: 31/10/2008 09:10:15
Số lần đọc: 2571
Đình làng Đình Bảng, xã Đình Bảng (Từ Sơn) là một ngôi đình cổ kính nổi tiếng của đất Kinh Bắc, được khởi dựng năm 1736. Đình thờ 3 vị thành hoàng: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ bá đại vương (Thần Nước) và Bạch lệ đại vương (Thần Trồng trọt).

Từ xưa, đình Đình Bảng đã trở thành một công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu, đi vào tâm thức dân gian vùng Kinh Bắc, người dân ở đây đã đặt ngôi đình ở một vị trí xứng đáng: “Thứ Nhất là Đình Đông Khang/Thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang Đình Diềm”. Đình làng Đình Bảng được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên đẹp, nơi trung tâm của các xóm, trước mặt nhìn ra dòng sông Tương huyền thoại của xứ Bắc. Kết cấu kiến trúc của đình Đình Bảng rất độc đáo với: Toà Bái Đường hình chữ nhật, dài 20m, rộng 14m chia làm 7 gian, 2 chái nằm trên nền cao bó đá xanh có bậc cấp; phần mái toả rộng cùng với hàng cột lim có đường kính lớn tạo nên vẻ bề thế, đồ sộ hiếm thấy ở những ngôi đình khác; hoa văn trang trí đa dạng, chạm trổ tinh vi, trau chuốt, hài hoà… Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng độc nhất vô nhị. Có hàng trăm đầu rồng nhưng mỗi con lại mang những nét chạm trổ riêng và không thể tìm thấy có 2 đầu rồng giống nhau ở đây.

 

Ngoài nét độc đáo về kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, đình Đình Bảng còn mang giá trị lịch sử to lớn. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (1939-1945), các vị tiền bối như: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt… đã hoạt động cách mạng ở đây. Ngôi đình là nơi diễn ra Hội nghị T.W Đảng Cộng sản Đông Dương họp lần thứ 7 (1940), Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ T.W Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (tháng 3-1945)… và rất nhiều lần được vinh dự đón Bác Hồ về thăm.

 

Đình Đình Bảng là một di tích vô cùng quý báu đã được nhân dân trong vùng bảo vệ, gìn giữ trong suốt những năm dài kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đến nay, ngôi đình đã và đang được nhân dân và các cấp uỷ Đảng, chính quyền trùng tu tôn tạo, trở thành một điểm du lịch văn hoá truyền thống đặc sắc của Bắc Ninh.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT