Non nước Việt Nam

Trung ương cục Miền Nam: Địa chỉ du lịch về nguồn và sinh thái hấp dẫn ở Tây Ninh

Cập nhật: 31/10/2008 15:10:27
Số lần đọc: 2444
Di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Trung ương cục Miền Nam là một “địa chỉ đỏ” về du lịch về nguồn và nổi tiếng về hệ sinh thái rừng. Căn cứ Trung ương cục Miền Nam nằm cách thị xã Tây Ninh hơn 60 km thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), cách biên giới Campuchia khoảng 3 km.

Trong thời kỳ kháng chiến, đây là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo cách mạng, như: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phan Văn Đáng, Phạm Thái Bường, Trần Văn Xô, Trần Nam Trung... Địa hình hiểm trở với nhiều khu rừng già, nên nơi đây trở thành nơi trú ẩn và hoạt động an toàn cho lực lượng cách mạng. Nơi đây được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990. Sau hai lần trùng tu tôn tạo vào năm 1994 và 2005, những di tích được khôi phục lại phục vụ khách tham quan.

 

Vào khu di tích, du khách được tham quan khu vực trưng bày các hiện vật, hình ảnh liên quan đến sinh hoạt trong chiến khu ngày xưa. Bà Nguyễn Thị Định trong chiếc áo bà ba, đầu búi tóc đúng kiểu phụ nữ Nam bộ ngồi võng vá áo là tấm ảnh ấn tượng nhất đối với du khách. Bên cạnh đó là nhiều hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo. Tại đây, du khách được xem và nghe hướng dẫn về lịch sử căn cứ và các chiến công. Nhờ có sa bàn điện tử với hệ thống đèn nhấp nháy gắn với lời của hướng dẫn viên, nên buổi thuyết minh rất sống động, hấp dẫn người nghe. Sau đó, du khách được đưa vào rừng bắt đầu chuyến khám phá căn cứ. Đường đi được tráng một lớp bê tông uốn lượn trong rừng. Nhà cửa ở căn cứ đều được phục chế lại theo nguyên bản, có sự đóng góp ý kiến của những người đã từng công tác tại đây. Độc đáo nhất là những mái nhà được lợp bằng lá trung quân - loại lá rừng có rất nhiều ở những cánh rừng vùng Đông Nam bộ. Lá trung quân đốt khó cháy và ít bắt lửa nên được các chiến sĩ dùng để lợp nhà, tránh bị bom đạn của kẻ thù đốt phá. Lợp nhà bằng loại lá này rất công phu, nhưng mái lợp đều đặn trông rất đẹp...

 

Các chiến sĩ cách mạng ngày xưa cũng rất năng động đã chế ra loại bếp nấu mang tên Hoàng Cầm. Bếp phục vụ cho hàng trăm người ăn vẫn nổi lửa hàng ngày, nhưng địch không tài nào phát hiện vì không thấy khói. Bếp được đào sâu xuống đất và có ống dẫn khói vào một hầm. Bên trên hầm được rải lá khô. Nếu khói đầy hầm và tỏa lên thì bị lá khô chặn lại cho khói bay là đà dưới đất, không bay cao. Vì vậy, địch không tài nào phát hiện ra bộ đội đang trú ẩn trong khu rừng già này. Chính địa hình “rừng che bộ đội” và những sáng kiến độc đáo của các chiến sĩ cách mạng, mà địch không thể hoàn thành mục tiêu xóa sổ “Thủ đô Việt cộng” dù đã đổ nhiều bom đạn, kể cả B52 xuống vùng đất này.  

 

Thông thường, du khách đến đây theo các hoạt động về nguồn vào các ngày nghỉ, dịp lễ... Có thể tổ chức thành nhóm khoảng 10 người trở lên đi mới vui. Tour đi và về trong ngày hoặc ngủ lại thì khách phải liên lạc với Ban quản lý để được bố trí chỗ ở. An ninh thì khỏi phải lo vì nơi đây được bảo vệ rất tốt, không có hoạt động khai thác rừng, trồng rẫy của người dân trong khu vực này. Đến đây mà không nghỉ lại đêm để sống lại không gian một thời của các chiến sĩ cách mạng, thưởng ngoạn đêm trăng giữa rừng già hay bập bùng bên ánh lửa trại thắm tình bạn bè... thì thật là tiếc. Rừng ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt nên vẫn còn rất nhiều những khu rừng già. Có những gốc cây lớn 3-4 người ôm. Rừng phủ kín không gian tái hiện căn cứ xưa. Nhiều chỗ rừng kín đến không nhìn thấy bầu trời mặc dù khu vực tham quan nằm rất gần với đường giao thông bên ngoài.

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT