Non nước Việt Nam

Cù Lao Dung - Nét duyên thầm của miền quê Nam bộ

Cập nhật: 04/11/2008 14:11:19
Số lần đọc: 2174
“Có bao giờ em về thăm nơi ấy. Một miền xanh biêng biếc hai mùa. Có bao giờ em nghe tên ấy. Cù Lao Dung đẹp tựa bài thơ” (Ở phía Cù Lao Dung- Lê Đức Đồng). Cù Lao Dung là vùng đất cồn chạy dài hơn 40km trên sông Hậu thuộc huyện Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng. Càng về cuối, cù lao càng nở ra giữa hai cửa biển là Định An và Trần Đề.

Hai ngày cuối tuần, từ Cần Thơ, khách có thể làm một chuyến dã ngoại về Cù Lao Dung để tham quan vùng đất “đẹp tựa bài thơ” và được sống trong không khí yên bình của miền quê Nam bộ. Cù Lao Dung rộng khoảng 25.000ha, dân số xấp xỉ 60.000 người. Đặt chân đến vùng đất này, khách sẽ gặp ngay con đường chạy quanh cù lao vừa là đê bao vừa là đường giao thông huyết mạch của vùng. Mấy năm trở lại đây, Cù Lao Dung đã trở thành một địa danh được nhắc tới như một “đảo du lịch” tiềm năng của tỉnh Sóc Trăng.

 

Hiện nay, muốn đến với Cù Lao Dung phải đi theo đường từ TP Sóc Trăng xuống Đại Ngãi. Con đường đang sửa chữa, gập gềnh lồi lõm. Chúng tôi lên phà ở chợ để băng qua Cù Lao Dung. Buổi sáng, người xe lên xuống phà đông nghẹt. Đứng trên phà nhìn trên sông Cù Lao Dung như một tấm thảm xanh um trải dài đến tận cửa biển xa khơi.

 

Bước lên bờ là xã An Thạnh Nhất của huyện Cù Lao Dung, đi quá lên một chút là thị trấn Cù Lao Dung. Hiện nay Cù Lao Dung đã là huyện lỵ với 7 xã và một thị trấn. Mỗi xã, thị trấn mang một nét đăc trưng riêng để du khách tha hồ khám phá: nếu đến An Thạnh I, khách sẽ “lạc” vào những vườn cây trái xanh tươi, từng chùm nhãn, sapô, cam mật, xoài như mời gọi. An Thạnh II bạt ngàn đồng mía, An Thạnh Đông có nhiều khoai mì, khoai lang, củ sắn còn An Thạnh Nam nổi bật với vuông tôm, cá kèo...

 

Ngay đầu thị trấn có một vòng xoay xinh xắn. Đó chính là Ngã Tư Bến Bạ. Đi quá một chút vào phía trong chừng 2km, quẹo vào con đường bên trái thuộc ấp Phước Hòa A của thị trấn, khách sẽ gặp tấm Bia Chiến Thắng Rạch Già sừng sững giữa màu xanh của đất cù lao. Bia kỷ niệm được cấu trúc thành hai tượng đài song song đỏ rực, một khắc hình búa liềm, một khắc ngôi sao biểu trưng cho cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Phía dưới là hai bia nhỏ mở ra như một quyển sách, bên trái khắc bài ca “Du kích Long Phú”(1949) của cố nhạc sĩ, ca sĩ Quốc Hương, bên phải là những dòng chữ khắc về chiến thắng Rạch Già, một chiến thắng đi cùng bài hát đã một thời vang dội trên chiến trường Tây Nam Bộ và cả nước. “Nơi đây, năm 1947 khi mới ra đời, du kích Long Phú đã phục kích đánh tàu giặc tiêu diệt hàng chục tên giặc Pháp và tiêu hao nhiều sinh lực địch, bảo vệ nhân dân. Những thắng lợi của đội du kích Long Phú đã tạo được niềm tin của quần chúng và vang lừng khắp non sông qua bài ca “Du kích Long Phú” của cố nhạc sĩ Quốc Hương”. Như nghe vang vọng bên tai bài ca quen thuộc với chất giọng độc đáo của cố ca sĩ Quốc Hương: “Ai vượt Cửu Long Giang vững trí lướt sóng ngàn, có đoàn quân du kích, đón đưa được an toàn... Chúng ta đoàn quân du kích, sống cùng Long Phú mến yêu. Đồng bào thương yêu du kích, giữ chặt Long Phú mến yêu...”.

 

Rời thị trấn Cù Lao Dung, chúng tôi đi qua những vuông tôm, vuông cá kèo của xã An Thạnh Nam. Sâu vào bên trong xã, cách thị trấn 22km là ấp Võ Thành Văn. Đây là nơi có rừng bần phòng hộ lớn nhất và dài nhất nước. Rừng bần chạy dài hai bên con rạch Tráng, xưa là cửa Ba Thắc, xanh um, ngút ngàn, bần nối bần đổ ra cửa biển. Chúng tôi đi theo con đường đê dài ngoằn, những cơn mưa mấy ngày qua khiến con đường đất lầy lội. Giá có chiếc ghe bơi theo rạch Tráng vào rừng chắc sẽ khỏe hơn nhiều nhưng xế trưa, nước cạn gần sát nên phải đi bộ thôi. Đi khoảng 2 km đến ngả rẽ xuống, đi mút tới hết rừng bần, khách sẽ ra tới biển.

 

Hòa trong không khí mát rượi, sảng khoái của rừng bần xanh tít tắp, um tùm, chúng tôi được người dẫn đường kể về câu chuyện thuở xưa, khi vua Gia Long bôn đào đến đây, thấy rừng bần san sát, xanh um đã xúc động trước vẻ hùng vĩ, bạt ngàn của nó mà đặt cho bần một cái tên đẹp đẽ, nên thơ là “Thúy liễu”! Những rặng bần đã bám chặt vào đất, giữ đất và lấn biển để mang lại cuộc sống ngày càng no ấm cho cư dân vùng đất này.

 

Trong tương lai gần, Cù Lao Dung sẽ mở ra các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trên sông rạch với những di tích lịch sử, những vuông tôm, cá kèo, những rẫy khoai mì, mía, bắp của vùng đất cồn hứa hẹn sẽ là điểm du lịch sinh thái, đặc trưng của vùng quê Nam bộ với những nét duyên thầm của vùng đất cù lao.

 

Có dịp đến Cù Lao Dung, bạn sẽ trở về với những kỷ niệm về miền quê thân thương và bình dị, với món bánh xèo ăn cùng rau vườn ngon tuyệt ở quán 227, thưởng thức đặc sản “cá bống sao kho chồn” nổi tiếng, với cây trái và những sản vật địa phương.

 

Hy vọng, một ngày không xa, đất cù lao sẽ thức dậy như là một điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT