Tin tức - Sự kiện

Kỷ niệm 15 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản văn hóa thế giới

Cập nhật: 03/11/2008 08:37:08
Số lần đọc: 1628
UBND Tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 15 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới (1993-2003) và 5 năm Nhã nhạc Huế - Âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh là kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (2003-2008) vào cuối tháng 11/2008.

Từ nay đến giữa tháng 11/2008, với đỉnh cao là kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2008, tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thi tìm hiểu về Di sản Văn hóa Huế, giao lưu tọa đàm, mở các chuyên đề, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng Internet, gửi tờ rơi thông qua các công ty lữ hành, đến các cơ sở lưu trú du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức cổ động trực quan trên địa bàn thành phố Huế, các điểm công cộng như sân bay, bến tàu, bến xe và hai cửa ngõ Bắc - Nam của thành phố Huế.

Tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Thách thức và cơ hội cho di sản Huế trong giai đoạn hội nhập quốc tế" nhằm nhìn lại chặng đường 15 năm công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản Văn hóa Huế, nhận diện những cơ hội trong hợp tác nghiên cứu, bảo tồn, đào tạo và xã hội hóa công tác bảo tồn cũng như những thách thức về phát triển đô thị và đào tạo nguồn nhân lực, các nhu cầu về hình thức dịch vụ văn hóa và vấn đề phát triển du lịch với bảo tồn di sản...

Từ  ngày 21 - 25/11/2008, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), tỉnh tham gia triển lãm giới thiệu hệ di tích đa dạng của Thừa Thiên- Huế, các hình ảnh của văn hóa phi vật thể cung đình cũng như dân gian, các danh lam thắng cảnh và các hoạt động văn hóa qua các kỳ Festival từ năm 2000-2008. Tuần văn hóa Huế tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam còn có các triển lãm "Họa tiết cung đình" với những bức ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Đào Hoa Nữ; triển lãm Thư pháp với chủ đề "Thơ các thi sĩ Trung đại Huế" viết trên sơn mài; và triển lãm "Huế xưa và nay, thời gian qua hình ảnh".

Ngoài ra, một số hiện vật thuộc sưu tập hiện vật bằng đồng, vải, pháp lam và gỗ của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng sẽ góp phần thể hiện một góc của đời sống cung đình Huế xưa. Kết hợp với các hoạt động triển lãm hình ảnh nghệ thuật và cổ vật, tại khu vực trưng bày còn có những gian hàng thủ công mỹ nghệ, giới thiệu về nghề truyền thống Huế với nhiều sản phẩm đa dạng về chất liệu và phong phú về chủng loại, kết hợp với việc giới thiệu các món ăn truyền thống nổi tiếng của Huế. Nhiều trò chơi dân gian khác cũng được thể hiện như múa, hát, ngâm thơ và ca múa nhạc cung đình, cũng như các trò chơi Bài vụ, Đầu hồ, Thả thơ và Xăm hường... vốn là những thú tiêu khiển tao nhã của cả giới thượng lưu lẫn bình dân chốn cố đô. Dịp này, lực lượng đoàn viên thanh niên của tỉnh cũng phối hợp tổ chức các buổi giao lưu tìm hiểu về Di sản văn hóa Huế, biểu diễn viết thư pháp, thêu tranh và trao học bổng cho một số học sinh xuất sắc là con em của Hội đồng hương tỉnh Thừa Thiên- Huế tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ Dự án "Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn nhã nhạc Huế - Âm nhạc cung đình Việt Nam", UNESCO thông qua Quỹ Ủy thác Nhật Bản tài trợ 154.900 USD nhằm xây dựng một nền tảng vững chắc về nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy những kỹ năng âm nhạc của Nhã nhạc cho thế hệ trẻ; nâng cao năng lực về công tác bảo tồn Nhã nhạc Huế...Dự án đã góp phần thu thập nhiều tư liệu, bản ký âm cổ chép tay liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam và Nhã nhạc cung đình Huế đã được xử lý, sao chép, dịch thuật. Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phục hồi được bản trống Thái bình cổ nhạc - bản nhã nhạc tiêu biểu với khoảng 140 trang viết và hơn 500 phụ lục... Đặc biệt đã đào tạo được 20 nhạc công nhã nhạc trẻ, có 18 nhạc công được tuyển vào làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế...

Nguồn: website VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT