Non nước Việt Nam

Những di tích từng in dấu chân Bác Hồ trên mảnh đất Cố đô Huế

Cập nhật: 20/05/2015 10:07:49
Số lần đọc: 2486
Trong thời gian 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống, làm việc và tham gia hoạt động yêu nước tại Huế, Người đã được hun đúc thêm ý chí và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Trên mảnh đất xứ Huế, những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, học tập và làm việc giờ đã trở thành di sản văn hóa vật thể mang giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc và có vị trí quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của Người trên toàn quốc.

 

ông Lê Văn Hà, Trưởng Phòng Tuyên truyền hướng dẫn thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế cho biết: “Tại Huế, hiện nay có khoảng 20 di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Trong đó, có 4 di tích được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia như: Nhà lưu niệm 112 đường Mai Thúc Loan, TP Huế, nhà lưu niệm làng Dương Nỗ, đình làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) và trường Quốc học Huế".

 

Di tích số 112 đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Thành, TP Huế là ngôi nhà đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sinh sống khi vào Huế lần thứ nhất (1895 - 1901). Được biết, ngôi nhà này trước đây vốn là trại lính của Nha Hộ thành triều Nguyễn, sau sự kiện thất thủ Kinh đô (năm 1885) thì bị bỏ phế. Khi gia đình Bác đến thuê, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của gia đình bà cụ Ba, tên thật là Trương Thị Lệ Diệu, quê ở xã Mỹ Khê, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

 

Thoạt nhìn, ngôi nhà có cấu trúc theo kiểu nhà rường Huế, ba gian, mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, hệ thống cửa phía trước được ghép theo kiểu bản khóa “thượng song hạ đố” (trên song dưới ván- PV). Ngôi nhà tuy chật chội những cũng đủ chỗ cho cụ Loan đặt một chiếc khung cửi dệt vải và là nơi học hành, sinh hoạt của cả gia đình. Lúc đó, do học bổng ở trường Quốc Tử Giám (trường đại học tại Kinh đô Huế xưa, nay là trường THPT chuyên Quốc học Huế) của cụ Sắc khá ít ỏi, nên mọi gánh nặng, lo toan cho gia đình đều dồn lên vai cụ Loan. Vì vậy, để có tiền nuôi con và giúp chồng ăn học, bà phải sớm hôm miệt mài, tần tảo bên khung cửi dệt vải.

 

Trải qua hơn 100 năm với bao thăng trầm, sự tàn phá của chiến tranh, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự vô tình của con người cùng biết bao lần thay tên đổi chủ, hiện ngôi nhà đã không còn nguyên vẹn như xưa, tuy nhiên nó vẫn mang dáng dấp cổ kính.

 

Hiện nay, nhằm phát huy giá trị lịch sử của di tích này, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế đã phục dựng ngôi nhà chính, ngôi nhà bếp, mái tranh, vách đất của căn nhà theo kiểu truyền thống trước đây, làm cho di tích này sinh động và ấm cúng hơn, đúng với vẻ nguyên sơ của nó. Trước những giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc, ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1993 và trở thành di sản văn hóa vô giá mà Thừa Thiên - Huế vinh dự được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

 

Ngoài ra, làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) còn là nơi lưu lại nhiều dấu ấn kỷ niệm trong những năm tháng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, những ngôi nhà Người đã ở, những nơi Người thường lui tới để vui chơi, học tập như: Đình Làng, Bến Đá và Am Bà... cũng đã trở thành những di sản quý giá, làm giàu thêm truyền thống lịch sử - văn hóa đáng tự hào của người dân xứ Huế.

 

Cũng chính tại ngôi làng này, Nguyễn Sinh Cung (tên gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc còn nhỏ) bắt đầu được học những bài Hán học đầu tiên từ người thầy cũng là người cha thân yêu của mình. Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, với tố chất thông minh nên những bài học đầu tiên được trò Cung lĩnh hội rất nhanh, khiến bạn bè phải nể trọng. Với những ý nghĩa riêng đặc biệt gắn bó với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ngôi nhà này đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa vào năm 1990.

 

Nép mình bên dòng sông đào Phổ Lợi (từ thời Vua Minh Mạng) thuộc xã Phú Dương, Bến Đá và Am Bà là những địa điểm vui chơi, học tập của cậu bé Nguyễn Sinh Cung trong khoảng thời gian hai năm ở làng Dương Nỗ.

 

 

Khi về ở ngôi nhà của ông Nguyễn Sỹ Độ, gia đình cụ Sắc thường ra Bến Đá tắm giặt, ngồi hóng mát và là nơi thích hợp cho một cậu bé hiếu động như Nguyễn Sinh Cung bơi lội, câu cá cùng bạn bè.

 

Am Bà là một miếu thờ vị thần có tên là Thiên Y- A-Na, một trong những tín ngưỡng thờ “mẫu” của người Việt mang màu sắc Chăm-pa được thể hiện dưới hình thức kết hợp mẫu Việt (như Thánh mẫu Liễu Hạnh) và mẫu Chăm (Thiên Y-A-Na). Theo quan niệm của người dân địa phương thì Am Bà là chốn linh thiêng, huyền bí, “người lớn đi một mình cũng sợ, trẻ con càng sợ Bà “quở phạt”. Thế nhưng, với cậu bé Nguyễn Sinh Cung thuở nhỏ, nơi đây là chỗ học bài “lý tưởng”.

 

Các điểm di tích, nhà lưu niệm còn lại của Người tại Cố đô Huế như: Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh theo học trong những năm 1906 – 1908, trường được xây dựng năm 1905 trên nền đình chợ Đông Ba cũ. Đến năm 1923, trường này được chuyển về địa điểm trường Gia Hội ngày nay. Tòa Khâm sứ Trung Kỳ xưa, nay là trường Đại học Sư phạm Huế, đã góp phần làm phong phú thêm những kỷ niệm đầy đáng nhớ của Chủ tịch Hồ Chí Minh một thời tại Huế./.

 

Nguồn: hue.vnn.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT