Non nước Việt Nam

Cổ kính chùa Côn Sơn – Hải Dương

Cập nhật: 26/05/2015 14:03:31
Số lần đọc: 4398
Là mảnh đất gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và đặc biệt là người anh hùng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, Côn Sơn đã hội tụ được các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo và thắng cảnh như Côn Sơn.

Chùa Côn Sơn thuộc xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là một di tích lịch sử văn hoá và danh thắng nổi tiếng đất nước, được trùng tu xây dựng tôn tạo năm 1304. Ngay từ thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh).


Đây là một vùng núi đất và sỏi kết, cao xấp xỉ 200m, rộng trên 1km2 với phong cảnh u tịch, điển hình là rừng thông mã vĩ. Từ cảnh quan tự nhiên đã được tôn tạo thành thắng cảnh. Đến với Côn Sơn du khách có thể thưởng ngoạn nhiều giờ, với nhiều di tích khác nhau, trong quần thể di tích Côn Sơn, Quý khách có thể thăm: Chùa Côn Sơn, Giếng Ngọc,Thạch bàn, Am Bạch Vân (có sự tích Bàn cờ tiên), Đền thờ Nguyễn Trãi, rừng thông bạt ngàn.


Chùa Côn Sơn ngụ dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun.

 


Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ. Trải qua biến thiên về lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. 

 

Kiến trúc chùa được xây theo kiểu chữ công bao gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện, nhà thờ Tổ.


Thượng điện là nối là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang), tượng ông bà Trần Nguyên Đán, hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.


Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Sân chùa có 4 nhà bia.

Sân chùa có cây đại 600 tuổi, 4 nhà bia, đặc biệt là bia "Thanh Hư động" có từ thời Long Khánh (1373-1377) với nét chữ của vua Trần Duệ Tông và bia hình lục lăng.


Tọa lạc bên sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp là Giếng Ngọc. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa.


Từ chùa Côn Sơn leo khoảng 600 bậc đá là đến đỉnh núi Côn Sơn (cao 200m). Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, tại đây có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay Bàn Cờ Tiên có dựng nhà bia theo kiểu Vọng Lâu đình, hai tầng cổ các tám mái. Đứng từ đây, du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn.


Từ chân núi đi theo lối mòn có kê đá xuống phía chân núi có một tảng đá lớn, mặt phẳng và nhẵn nằm kề ven suối gọi là Thạch Bàn lớn. Tương truyền khi xưa Nguyễn Trãi lấy làm "chiếu thảm" nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.


Tại đây, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt, đều để lại dấu ấn qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối…


Hàng năm, lễ hội chùa Côn Sơn được cộng đồng cư dân phường Cộng Hòa, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương cùng với Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, từ ngày 15 đến ngày 22.

 

Lễ hội chứa đựng và phản ánh nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc, giúp các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về đời sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán gắn liền với khu di tích đặc biệt quan trọng này, nhằm góp phần gìn giữ di sản văn hóa của cha ông ta để lại cho các thế hệ.


Đây cũng là dịp tôn vinh các bậc tiền nhân có công xây dựng Thiền phái Trúc Lâm, xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm... Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ hội được cộng đồng tổ chức mang tính chất như cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ bồi đắp thêm lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Đặc biệt, lễ hội đã gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

 

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của lễ hội, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội chùa Côn Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống./.

 

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT