Hoạt động của ngành

Nghệ thuật đan gùi hoa - Nét đẹp truyền thống cần được bảo tồn tại Lâm Đồng

Cập nhật: 29/06/2015 10:17:09
Số lần đọc: 1246
Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu của Lâm Đồng nói riêng, gùi là một vật dụng quen thuộc luôn gắn bó với đồng bào trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đối với họ, chiếc gùi không chỉ đơn thuần là một vật dụng mà còn chứa đựng bao yếu tố văn hóa khác. Bởi thông qua nó, họ đã gửi gắm tình cảm cũng như sự cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống theo cách nhìn, cách nghĩ của riêng mình.


Già làng thôn Kala, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh ngồi chuốt từng sợi lồ ô để đan nong, đan gùi. 
Ảnh: PHAN NHÂN

Để đan được một chiếc gùi, đặc biệt là gùi hoa, đồng bào dân tộc đã phải chuẩn bị và tiến hành khá công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến các bước tạo hoa văn và hoàn thành sản phẩm. 

Nguyên liệu để đan gùi bao gồm: lồ ô, nứa (đơr), dây mây (sê rơ - gă), cây sim rừng (Pănh), cóc rừng (gơ - nắp - bơ`s), cây pơ - rô, vỏ cây pết, cây tỳ hoặc lá cây sơ - đoăh. Nguyên liệu được khai thác trực tiếp ở các đồi núi quanh địa bàn cư trú và được sơ chế trước khi đưa vào sử dụng. Dụng cụ dùng trong đan gùi ngoài xà gạt, dùi nhọn để dùi lỗ, dao nhọn có cán cong rất sắc bén dùng để chuốt sợi mây, vót nan còn có khung đan sử dụng tạo dáng gùi. Khung có hai loại: khung tròn và khung vuông và có kích thước to nhỏ khác nhau. Tùy thuộc vào loại gùi cần đan mà người đan sẽ sử dụng khung cho phù hợp.

Để đan gùi phải dùng hai loại nan: đó là nan xương và nan thường. Nan xương chắc và nhỉnh hơn. Phần giữa của nan chừa to bản để đan phần đáy gùi, nan xương rất quan trọng, nó quyết định kích thước và độ cứng của gùi. Tùy theo từng loại gùi cần đan mà người ta tạo nan có độ dài ngắn khác nhau.

Gùi được bắt đầu đan từ đáy. Khi đan người ta dùng nan xương có chừa phần to bản ở giữa đan phần đáy trước. Khi đã đan xong phần đáy, người ta bắt đầu làm móng gùi (Gơ - lăh - Mun). Móng là hai đoạn cành sim rừng hoặc lồ ô to bằng ngón tay trỏ hoặc nhỏ hơn một chút. Hai đầu được vạt nhọn, cây móng được cắm chéo ở chính giữa dưới đáy gùi và cài chặt vào bốn góc của đáy gùi.

Sau khi cài xong cây móng, người đan phải dùng động tác thật khéo léo vừa đan vừa bẻ góc, uốn cong nan xương để bắt đầu lên thân gùi. Sau bẻ góc thì bắt đầu cài khung để đan thân gùi. Đan tới đâu thì dịch khung ra tới đấy. Khung giúp cho thân gùi được tròn đều hoặc vuông đều từ đáy lên miệng. 

Có hai kiểu đan gùi hoa cơ bản mà đồng bào K’Ho ở Di Linh vẫn thường gọi là Băng cha Kiang và Băng cha ờs. Băng cha Kiang là kiểu đan tạo hoa văn hình chữ V mà đồng bào gọi là hình gấp khúc cùi chỏ. Băng cha ờs là kiểu hoa văn hình thoi (hình quả trám).

Cách đan: Muốn đan theo kiểu Băng cha Kiang thì sau khi bắt đầu lên phần thân gùi người ta chia thành 4 khoảng bằng nhau. Từ bốn điểm giữa sẽ đan một lên một xuống còn các điểm khác vẫn đan hai lên hai xuống. Khi đến lượt lại thì tất cả vẫn đan lồng đôi (hai lên hai xuống) bình thường. Như vậy tại các điểm đan một lên một xuống sẽ bắt đầu dần tạo ra hai đường xiên hoa văn hình chữ V. Khi đan tới một khoang nhất định, người ta lại đan một lên một xuống tại 4 điểm dọc theo 4 điểm mốc trước đó để tạo đường xiên làm hoa văn gấp khúc lên xuống dạng chữ V lần hai. Thường thường trên mỗi thân gùi tạo được 3 đến 4 đường hoa văn này.

Băng cha ờs còn được gọi là Băng cha thường. Kiểu này đan đơn giản hơn kiểu trước và nó tạo ra hoa văn hình thoi. Để đan gùi kiểu này người đan cũng chia gùi thành bốn phần bằng nhau và tại 4 điểm giữa đan một lên một xuống để làm mốc tạo hoa văn. Sau đó đan lồng hai bình thường. Như vậy tại các điểm đan một lên một xuống sẽ dần dần tạo ra một góc và hai cạnh xiên của hình thoi. Khi đến một khoảng nhất định, muốn tạo góc khác thì tại điểm cuối của các đường xiên (2 cạnh) lại đan một lên một xuống để đổi hướng cho đường xiên. Sau đó tiếp tục đan cho đến khi hai đường xiên gặp nhau tạo thành hai cạnh tiếp của hình thoi.

Sau khi đan xong phần thân gùi người ta tiếp tục làm vành miệng, kết quai gùi, làm đế gùi, dây ràng và trang trí cho gùi. Tất cả các khâu này đều được tiến hành khá tỉ mỉ và rất khéo léo, công phu. Đặc biệt là khi tết mắt công (măc - brạ) để trang trí trên thân gùi. Thường thường mỗi gùi có 3 mắt công (măc - brạ). Xung quanh miệng gùi (ở mép dưới vành miệng) có cài những túm sợi hoặc len đã được cắt sẵn để làm hoa, các cụm hoa sợi này được bố trí cách nhau một khoảng đều đặn.

Đế gùi thường được làm sau cùng để tùy thuộc vào độ lớn nhỏ của đáy gùi mà uốn cho vừa. Đế gùi thường được làm bằng gỗ cóc rừng vạt mỏng. Sau đó đo cho vừa bằng cạnh vuông của đáy gùi rồi bắt đầu uốn cong theo hình bông hoa 4 cánh. Mỗi cánh tựa sát vào một góc của đáy gùi. Sau đó kết chặt đế với 2 cây móng và cả phần đáy gùi. 

Màu sắc sử dụng để trang trí hoa văn chủ yếu trên gùi là màu đỏ, đen được lấy từ vỏ, lá cây rừng nếu sử dụng nan nhuộm. Nhưng đồng bào dân tộc Tây Nguyên cũng ít dùng màu để nhuộm nan, sợi để đan gùi hoa mà thường lợi dụng chính bản chất của nan nứa, lồ ô để tạo màu làm nổi bật các đường nét hoa văn. Nghĩa là khi đan gùi hoa, họ sẽ dùng toàn bộ nan cật, các nan đều để nguyên cật xanh, riêng nan xương được cạo sạch lớp cật xanh mỏng ở bên ngoài cho nhạt hơn.

Sau khi đan xong thì người ta mang gác trên giàn bếp một thời gian, lúc này khói và bồ hóng ăn vào các nan gùi tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt (nan nguyên cật có màu nâu đậm, nan được cạo cật sẽ có màu vàng nhạt) làm nổi bật các đường nét hoa văn. Ngoài hai loại hoa văn chủ đạo nói trên, đồng bào dân tộc bản địa Lâm Đồng còn đan các loại gùi có trang trí hoa văn hình mặt trời, hình mai rùa, hình móng chân chó...

Gùi hoa thường được sử dụng trong các dịp lễ hội, khi đi đám cưới, đi chợ, đi chơi và làm gùi nhỏ trong lễ đặt tên cho bé. Vì vậy gùi hoa được đan rất kỳ công bởi ngoài giá trị của một vật dụng nó còn giúp cho các chàng trai Tây Nguyên chứng tỏ được sự tài hoa, khéo léo của mình trước các cô gái và cộng đồng. Nhưng thật đáng tiếc, hiện nay những kỹ thuật tinh xảo của đan gùi hoa đang có nguy cơ bị thất truyền và hầu như chỉ có người già là còn biết đan gùi hoa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do thiếu nguyên liệu, một phần là ngày nay với sự xuất hiện của những đồ dùng giá rẻ, tiện dụng và phù hợp với cuộc sống hiện đại như làn, giỏ xách, ba lô… đã ảnh hưởng nhiều tới nghề đan lát nói chung và đan gùi nói riêng. Vì vậy chúng ta cần sớm có những dự án, chính sách thích hợp để khuyến khích, hỗ trợ giúp bà con bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo này./.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục