Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL
Hội nghị là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, tiếp xúc trực tiếp nhằm định hướng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư du lịch.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị
Hội nghị có sự hiện diện của ông Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đồng Trưởng ban chỉ đạo Tuần lễ Du lịch xanh; ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 13 tỉnh/thành trong vùng ĐBSCL; đại diện Tổng lãnh sự một số nước tại Việt Nam; tổ chức JICA (Nhật Bản); các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, để phát huy mọi tiềm năng du lịch của vùng ĐBSCL cần có sự đầu tư về trí tuệ, tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực. Các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm tới việc quy hoạch sản phẩm du lịch, tạo sự kết nối, thống nhất trong vùng, tránh chồng chéo, trùng lặp; lập kế hoạch đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch để có thể phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của vùng; đặc biệt coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch và nâng cao nhận thức của người dân địa phương.
Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh đầu tư vào vùng ĐBSCL, và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các khâu thủ tục hành chính, nguồn vốn phát triển và công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực Du lịch xanh vùng ĐBSCL năm 2015 giới thiệu 62 dự án kêu gọi đầu tư với tổng số tiền là 11.862,5 tỉ đồng và 714,9 triệu đô la Mỹ. Đây là những dự án trọng điểm ưu tiên mời gọi trong lĩnh vực du lịch vùng ĐBSCL. Nhân dịp này, 3 địa phương Cà Mau, Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ đã trao chứng nhận đầu tư cho 3 dự án trên địa bàn, bao gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Quốc tế (Cà Mau) do Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Quốc tế đầu tư với tổng số vốn là 445,359 tỉ đồng, dự kiến sau khi đi vào hoạt động có thể đáp ứng phục vụ 328.500 lượt khách mỗi năm; Dự án Du lịch sinh thái Trường Huy (Vĩnh Long) do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Khách sạn Trường Huy đầu tư, với tổng số vốn là 300 tỉ đồng; Dự án Trung tâm Thương mại tổng hợp LOTTE Cần Thơ (Thành phố Cần Thơ) do Công ty TNHH Trung tâm Thương mại LOTTE Việt Nam đầu tư, với tổng số vốn trên 62 triệu đô la Mỹ.
Những năm gần đây, du lịch vùng ĐBSCL đang từng bước được khai thác và phát triển, các nguồn vốn đầu tư tín dụng nhất là cho ngành Du lịch đã làm thay đổi diện mạo của khu vực, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn như du lịch miệt vườn, văn hóa lịch sử, sinh thái sông biển… Bên cạnh nguồn vốn tín dụng cho ngành Du lịch, các ngân hàng còn tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tăng cường kết nối khu vực ĐBSCL như dự án sân bay Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Chiếc…
Thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn để cho vay đối với các dự án phát triển du lịch trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL. Tại Hội nghị lần này, ngành Ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án với số tiền cam kết cho vay trên 980 tỉ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch sinh thái, đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành có liên quan đồng hành cùng ngành Du lịch triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư vào vùng ĐBSCL, trong đó chú trọng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vốn đầu tư; các thủ tục hành chính; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch có vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính hợp tác và liên kết trong vùng ĐBSCL và liên kết với các tỉnh/thành có thế mạnh về du lịch, các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, góp phần tạo sự thống nhất và quyết tâm chiến lược cho toàn vùng.
Thanh Tâm