Hoạt động của ngành

Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015

Cập nhật: 03/07/2015 13:52:17
Số lần đọc: 1477
(TITC) - Ngày 02/7/2015, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 tại ba điểm cầu là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã đến dự và chủ trì hội nghị (tại điểm cầu Hà Nội).

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công diện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản số 09-BCSĐ/BVHTTDL ngày 12/2/2015 đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các sở, ban, ngành tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ… Cùng với các văn bản chỉ đạo tới các ngành, các cấp, các địa phương, Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức các đoàn thanh tra kiểm tra các hoạt động lễ hội tại 60 điểm di tích, thuộc 29 tỉnh thành… Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, Ngành, địa phương, hoạt động lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nề nếp, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý lễ hội vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như việc cấp phép tổ chức lễ hội chưa có sự giám sát chặt chẽ, có biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi cá nhân; một số di tích vẫn còn hiện tượng hóa nhiều vàng, mã không đúng quy định…

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu nhận định: lễ hội năm nay đã có sự chuyển biến mang tính tích cực và chuyên nghiệp hơn nhiều. Việc tổ chức lễ hội tại các địa phương đa phần đã có nội dung, kịch bản cụ thể, mang tính đặc trưng riêng của từng lễ hội. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa lễ hội cũng như nếp sống văn minh nơi di tích đã được Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện hiệu quả. Công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường được chú ý, đảm bảo…

Tuy vậy, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, tại một số điểm di tích, hiện tượng tiếp nhận đồ thờ tự không phù hợp với không gian di tích vẫn còn xảy ra, một số nghi lễ như “chém lợn” tại lễ hội đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh), “đập trâu” tại lễ hội Cầu trâu, cướp lộc tại đền Sóc Sơn (Hà Nội), “cướp phết” Hiền Quan (Phú Thọ)... đã gây phản cảm trong dư luận. Hiện tượng hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đón và chèo kéo khách từ xa… vẫn tồn tại.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu các cơ quan liên quan và địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 41/CT-TW và đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục người dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, tập trung vào công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh về ý nghĩa lễ hội, đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh nơi lễ hội; Phân công rõ vai trò, trách nhiệm, phạm vi quản lý của từng người trong Ban Tổ chức; Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính đối với các lễ hội vi phạm; Đảm bảo vệ sinh môi trường trong đó đặc biệt chú ý đến nhà vệ sinh công cộng, hàng quán, cảnh quan di tích; Bắt buộc niêm yết giá công khai; Cần có chính sách quy hoạch không gian hàng quán kinh doanh; Chủ động phối hợp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, an ninh trật tự; Chấm dứt tình trạng ăn mày, ăn xin, chèo kéo khách; Đặt và quản lý hòm công đức hiệu quả…

 Hương Lê

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục