Thăm di tích lịch sử cây đa Pắc Ma – Sơn La
Cách đây 60 năm về trước, cây đa Pắc Ma thuộc bản Pắc Ma, xã Pắc Ma huyện Quỳnh Nhai, là cây mọc tự nhiên cách đường liên tỉnh 171 khoảng 300m trên một quả đồi có dáng như yên ngựa. Trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Quỳnh Nhai có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là của ngõ để ta có thể từ Than Uyên đi vào tiến sang Tuần Giáo và Điện Biên. Năm 1948, tại bản Mứn và bản Pắc Ma chúng đốt phá trên 100 nóc nhà cùng với toàn bộ tài sản của nhân dân, bắt gần hết số cán bộ trung kiên ma ta gây dựng, đào tạo cùng gia đình, anh em cán bộ địa phương mới trở về hoạt động, thẳng tay giết một số người tham gia cách mạng; Chúng còn thực hiện chính sách dồn dân để dễ bề kiểm soát.
Nhận rõ tình hình, vị trí chiến lược của Sơn La, Tây Bắc, ngày 21/01/1948 bộ Tổng chỉ huy đã ra chỉ thị số 114/CT-BT và 115/CT-BT nêu rõ nhiệm vụ giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ căn bản của liên khu X. Thực hiện chủ trương của Liên khu, ngày 29/3/1948 đội xung phong Quyết tiến đã lên đường. Ngày 29/6/1948 đơn vị đã đến Tú Lệ Yên Bái và chủ trương củng cố Tú Lệ làm bàn đạp tấn công lên Mường Trai ( Mường La). Nhận rõ vị trí thuận lợi của Quỳnh Nhai là cửa ngõ để ta có thể từ Than Uyên đi vào.
Căn cứ vào nhận định của bộ tổng chỉ huy, Tại khu vực cây đa Pác Ma, xã Pắc ma huyện Quỳnh Nhai năm 1952 bộ đội ta đã tiêu diệt được 72 tên địch trong tiểu đoàn TaBo thứ 17 quân Viễn chinh Pháp, thu gom được nhiều vũ khí. Trong trận tập kích Pắc Ma thắng lợi đã góp phần chọc thủng phòng tuyến Sông đà của địch, giải phóng hoàn toàn huyện Quỳnh Nhai, tạo điều kiện thuận lợi cho hướng thọc sâu vu hồi giành thắng lợi to lớn trong hai đợt của chiến dịch tiến công giải phóng Tây Bắc. Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn 28.500 Km2 với 25 văn dân trên một địa bàn hết sức quan trọng. Tây Bắc trở thành căn cứ địa nối liền với căn cứ địa Việt Bắc.
Cây đa là một chứng tích thắng lợi của bộ đội ta trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952, nhân dân địa phương thường gọi là cây đa Pắc Ma. Hiện nay cây đa vẫn vươn cao sức sống trên đồi, xung quanh mênh mông sông nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Đến với di tích, du khách được ngồi trên thuyền ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, câu cá sông, đặc biệt là việc thành tâm thắp một nén nhang tưởng nhớ tới các chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ vùng đất Quỳnh Nhai, Sơn La - một bộ phận hữu cơ của nước Việt Nam. Nơi đây còn là một trang sử địa phương để soi sáng cho các thế hệ con cháu học tập, làm việc sao cho một phần xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ tiền bối./.