Ninh Bình phát hiện nhiều dấu tích giá trị tại thung Nội Lấm
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Theo các tài liệu lịch sử, hành cung Vũ Lâm là một trong những căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất được triều Trần xây dựng tại vùng rừng núi Ninh Bình, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285.
Di tích hành cung Vũ Lâm hiện nay phân bố rộng khắp trong 4 xã: Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân và Ninh Vân huyện Hoa Lư.
Kết quả khai quật khảo cổ tại đây đã tìm thấy nhiều dấu tích: dấu tích khu vực chứa sét nguyên liệu làm gốm, dấu tích cây gỗ trong lớp bùn đen, dấu tích đá kè đường đi hoặc làm bến nước, dấu tích đường đắp đất… Bên cạnh đó thu được trên 5525 mảnh vỡ trên bề mặt và 940 mảnh di vật các loại gồm các mảnh trang trí kiến trúc, vật thể như đồ gốm tráng men, đồ sành, các cục thóc, gạo hóa than…
Các nhà khảo cổ đang đưa ra giả thiết khu vực này từng là nơi sản xuất gốm men vào thời Trần.
Việc khai quật khảo cổ tại Hành cung Vũ Lâm - một khu vực cụm di tích quân sự quan trọng còn nhiều bí ẩn sẽ góp phần trả lời được rõ ràng câu hỏi vì sao triều Trần với một lực lượng quân sự hạn chế lại có thể 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, một trong những thế lực quân sự hùng mạnh nhất của lịch sử nhân loại. Qua đó hiểu thêm về lịch sử và những đóng góp của nhà Trần trong tiến trình phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước. Đồng thời là hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An./.