Non nước Việt Nam

Về Bình Đinh khám phá Hải Giang từ trên cao

Cập nhật: 27/08/2015 08:54:43
Số lần đọc: 1659
Hải Giang là một đơn vị hành chính cấp thôn thuộc xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Lâu nay, Hải Giang vẫn như một “nàng công chúa ngủ quên” và chỉ được biết đến nhiều khi Tập đoàn Vingroup khởi công xây dựng Khu du lịch Hải Giang vào cuối tháng 3.2013. Sau khi hoàn thành, Hải Giang sẽ là “điểm nhấn” quan trọng, góp phần phát triển du lịch của tỉnh Bình Định.

                       Một góc Hải Giang nhìn từ đỉnh núi Mũi Mác của xã Nhơn Hải

Từ lâu, Hải Giang được ví như một “ốc đảo” bởi địa hình độc đáo, hiểm trở và giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão hoặc những ngày biển động có sóng lớn. Đây là một thung lũng được bao bọc bởi dãy núi Mũi Mác (còn gọi là núi Mũi Én) của xã Nhơn Hải ở hướng đông và sườn núi Tam Tòa (Hải Minh, khu vực 9, phường Hải Cảng) ở hướng tây, nằm trên bán đảo Phương Mai. Hải Giang tựa lưng vào vách của những dãy núi cao phía trên và đầm hồ bên dưới; trước mặt thôn nhìn ra là bãi cát dài trắng xóa bên sóng biển trong xanh.

Để khám phá vẻ đẹp của Hải Giang từ trên cao, ngay từ sáng sớm, xuất phát từ trung tâm xã Nhơn Hải, chúng tôi leo núi Mũi Mác. Lần theo con đường mòn của công trình xây dựng Trạm tiếp sóng viễn thông Viettel, sau hơn 45 phút vượt qua những lùm bụi cây dại, những dốc đá, chúng tôi đã chinh phục được ngọn núi. Trước mặt chúng tôi, một thung lũng xanh của nước biển, cảnh sắc đầm hồ và cây cỏ tuyệt đẹp trong nắng mai. Đây là thời gian đẹp nhất để chúng tôi ghi lại những hình ảnh đất nước, con người và cuộc sống nơi đây.

 

Thôn Hải Giang rộng khoảng 1,2 km2 có địa thế ba bề là núi cao, một bên là biển xanh. Hàng năm, nước mưa từ trên các sườn núi đổ xuống, tạo ra ở giữa thôn một bàu nước ngọt không bao giờ cạn và hai đầm nước lợ (nước ngọt pha nước biển) gọi là đầm Lớn và đầm Bé. Vào mùa mưa, nước từ đầm Lớn nằm sâu trong thôn, dưới những chân núi, chảy thông ra đầm Bé. Từ đầm Bé, nước chảy vào ngòi len theo chân núi Mũi Mác thông ra biển.

Bàu, đầm ở Hải Giang là nơi cung cấp một lượng lớn thủy sản rất đa dạng và ngon như: cá, cua, tôm, ghẹ… Đây cũng là nguồn nước tự nhiên để người dân trong thôn lâu nay canh tác lúa, hoa màu và chăn nuôi.

                              Vẻ đẹp của đầm Bé với màu xanh diệp lục

Một nét độc đáo khác của đầm Lớn và đầm Bé ở Hải Giang là vào mùa khô, thường từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, nước trong các đầm bốc hơi hết, để lại một lượng muối khoáng (dạng hạt, mịn như cát) rất có giá trị trên bề mặt. Người dân trong thôn khai thác muối này về, dùng lửa than hầm, sau đó dùng để chế biến thức ăn hàng ngày.

Thôn Hải Giang có hai xóm, gọi là xóm cũ và xóm mới, với gần 150 gia đình, khoảng 500 nhân khẩu sinh sống. Từ trước đến nay, nghề chính ở đây là đánh bắt hải sản ven bờ và chăn nuôi, trồng trọt hoa màu, với phương thức đa phần là tự cung, tự cấp. Hiện nay, các hộ dân ở đây được đền bù giải tỏa, di dời để giải phóng mặt bằng trong Dự án du lịch Hải Giang.

Ở hướng tây đầu xóm cũ của thôn Hải Giang có ngôi chùa cổ Linh Sơn Tự (thường gọi là chùa Phật Lồi), tọa lạc trên triền núi phía đông của dãy núi Tam Tòa. Dân địa phương không biết chính xác chùa được xây dựng từ khi nào, chỉ biết chùa đã tồn tại ở đây từ rất lâu. Hiện trong gian chánh điện đang thờ một pho tượng toàn thân bằng đá màu đen, sau lưng có khắc nhiều minh văn Chăm cổ, tạo cảm giác kỳ bí, linh thiêng… Tượng do người dân Hải Giang tình cờ phát hiện từ dưới đất lồi lên trên ruộng canh tác dưới chân đồi, cách nay khoảng 200 năm.

Hàng năm, chùa có một ngày lễ lớn, gọi là ngày “Khai ấn” diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Ngoài ra, vì chùa không có sư trụ trì nên hàng tháng chùa mở cửa đón khách thập phương vào hai ngày rằm và mùng một (âm lịch).

Nhằm đánh thức tiềm năng du lịch của Hải Giang, UBND tỉnh đã cấp giấy phép cho Tập đoàn Vingroup đầu tư Hải Giang thành một khu du lịch, vui chơi giải trí đặc biệt. Cuối tháng 3.2013, dự án được khởi công, với tổng diện tích 656,25 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.424 tỉ đồng.

 

Trong tương lai, Khu du lịch Hải Giang cùng với dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý vừa được khởi công, khi đi vào hoạt động sẽ tạo một liên kết chuỗi trong 11 dự án du lịch, dịch vụ trong Khu kinh tế Nhơn Hội, tạo cú hích cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT