Trại giam Phú Quốc – Di tích Quốc gia đặc biệt
Tại Nhà trưng bày hiện vật, bên cạnh danh sách tù binh còn có những hình nộm mô tả cảnh tra tấn tù binh mà tưởng chỉ có ở thời trung cổ. Đó là cảnh viên cai ngục đang dùng kìm bẻ từng chiếc răng của tù binh. Kế bên là một viên cai ngục mặt mũi dữ tợn không kém dùng búa đóng đinh vào đầu gối, các ngón tay, nhổ xương bánh chè… Xen giữa những hình nộm là bức ảnh mô tả người tù binh da bọc xương, mặt mũi thâm tím, miệng tứa máu, thân hình lở loét, và cùng với đó là vô số bằng chứng khác tố cáo tội ác man rợ của bọn giặc như gông cùm, dao, búa, đinh đủ loại dùng để hành hạ tù binh.
Để mỗi du khách hình dung đầy đủ hơn về những gì từng diễn ra ở "địa ngục trần gian" này, cạnh lối ra Nhà trưng bày còn có bảng liệt kê những "nhục hình" vô cùng man rợ, tàn nhẫn như: Người tù bị phạt phơi nắng trên những giàn thiếc nóng như rang ngoài trời, da thịt ở bụng, ở ngực phỏng rộp lên, nhiều chỗ da non bị cháy xém, người yếu sức thường là ngất xỉu. Nếu cựa quậy chúng phang thẳng cánh dùi cui vào đầu hoặc sẵn sàng bắn bỏ. Người tù bị còn bị phạt leo cây nhum đầy gai nhọn, chúng bắt người tù leo lên ngọn rồi tụt xuống, không leo chúng đánh. Chỉ cần vài ba cái nhoài người là đùi, ngực, tay, chân bị nhòe máu. Phạt bắt ăn cơm trộn cát với nước tiểu: không ăn chúng đánh, đang ăn ói ra chúng cũng đánh và bắt hốt hết lên ăn nữa. Địch còn dùng gậy đập nát các đầu ngón chân, ngón tay, bẻ răng tù binh làm bộ sưu tập răng để chơi. Rồi còn dùng dao rạch dương vật người tù cho đỉa trâu vào đó rồi khâu lại.
Độc ác hơn nữa là phạt giam vào “chuồng cọp”, mô hình “chuồng cọp” được phục dựng trên nền “chuồng cọp” cũ với lớp lớp hàng rào dây thép gai, lính canh, đèn cao áp. Đó là một chiếc lồng bằng kẽm gai,
chiều cao không đủ để tù nhân ngồi, chiều dài nằm không duỗi chân được, tênh hênh ngoài trời. Tại đây, sau mỗi đòn tra tấn tù nhân, nhiều người tù đã bị giam cầm từ ngày này qua ngày khác bất kể nắng mưa, đói cơm, khát nước, mọi cử động đều vướng phải những mũi dây thép gai sắc nhọn như vô số mũi kim đâm vào da thịt. Những vật chứng này hiện còn bảo quản tại Nhà trưng bày di tích. Còn rất nhiều hình thức khác hành hạ, tra tấn tù binh dã man không khác gì hình phạt thời trung cổ.
Trên 40 năm đã trôi qua, thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên công lao của những người đi trước, bởi hòa bình hôm nay là xương máu của cha ông. Những người trở về từ “địa ngục trần gian”, tiếp tục sống, cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước. Những vết thương trên thịt da đã lành. Những nỗi đau tinh thần cũng dần nguôi ngoai.
Có thể những hiện vật được trưng bày ở đây dường như còn quá ít so với lịch sử của nhà tù, số lượng tù nhân bị giam cầm và tội ác mà những tên cai ngục gây ra. Song qua trao đổi với một số cán bộ làm việc tại đây, thì thu thập được chừng ấy chứng tích cũng đã là những cố gắng lớn lao. Để làm sống lại những gì đã từng diễn ra trong quá khứ chưa xa, Khu Di tích lịch sử đã được xây dựng trên chính khu vực Nhà tù cũ, có Nhà trưng bày hiện vật và tiếp khách tham quan được xây hai tầng khang trang cùng Khu trưng bày ngoài trời với nhiều hiện vật nguyên gốc, hầu như nguyên vị trí. Tượng đài hình nắm tay - biểu tượng của sự đàn áp khốc liệt và tinh thần hiên ngang vùng lên phá xiềng của tù binh Phú Quốc, Nghĩa trang liệt sĩ, Khu Trại giam tù binh đã được phục dựng. Ban Quản lý Khu Di tích còn tái hiện bàn cát thu nhỏ hình ảnh tổng thể Nhà tù xưa; tổ chức nhiều chuyến sưu tầm, trưng bày hiện vật tố cáo tội ác của bọn thực dân, đế quốc và tay sai như hầm thép, chuồng cọp... cùng nhiều di vật, di ảnh chiến sĩ ta. Tất cả mang đến cho mỗi khách tham quan một hình dung khá đầy đủ, sinh động về cảnh tù đày, đói rét, tra tấn, nhục hình... mà bọn cai ngục đã trút lên mình các tù nhân cộng sản.
Di tích Trại giam Phú Quốc được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, nơi để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về một thời đấu tranh khốc liệt của nhân dân ta, là bằng chứng xác thực ghi dấu tội ác dã man của quân xâm lược, đồng thời nói lên tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Qua đó giáo dục truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.